Khám phá hồ Inle

23/08/2016 | 07:52 GMT+7

Hồ Inle là một điểm đến hấp dẫn bởi cảnh quan đẹp và yên tĩnh, nơi những dân tộc thiểu số sống gần gũi với thiên nhiên và giữ được nhiều nét truyền thống độc đáo.

Những ngư dân ở hồ Inle, Myanmar có cách chèo thuyền độc đáo. Nguồn: GETTY IMAGES

Hồ Inle ở bang Shan, miền Trung Philippines là hồ nước ngọt lớn thứ 2 nước này, có diện tích khoảng 116km2, nằm ở độ cao gần 900m, được bao quanh bởi đồi núi, mặt hồ khá tĩnh lặng, không khí trong lành. Khu vực có khoảng 200.000 người sinh sống thuộc nhiều dân tộc, như Intha, Pao, Danu, Kaya… Trong đó, người Intha chiếm đa số, khoảng 70.000 người. Intha có nghĩa là “những đứa con của hồ”, đúng như tên gọi, cuộc sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào hồ Inle.

Đời sống gắn bó với mặt nước nên người Intha dựng nhà sàn bằng gỗ và tre trên mặt nước, tụ họp thành nhiều làng nổi dọc theo bờ hồ. Họ còn có phương thức trồng trọt đặc biệt: kết bèo, tảo và bùn đất thành những “thảm” nổi, cố định chúng bằng sào tre và trồng cây trên đó. Những “tấm thảm” được sử dụng năm này qua năm khác, có thể kéo dài 10-15 năm. Trên những mảnh vườn nổi màu mỡ này họ trồng đủ loại rau màu, đặc biệt cà chua được trồng rất nhiều và cho sản lượng cao quanh năm.

Ngoài trồng trọt, người dân địa phương còn đánh bắt cá ở hồ Inle. Ngư dân có một kiểu chèo thuyền rất độc đáo là chèo bằng một chân, chân còn lại đứng thăng bằng ở mũi thuyền trong khi hai tay được tự do để quăng, gỡ lưới hoặc dùng nơm bắt cá. Mặt khác, so với kiểu ngồi chèo thuyền bình thường thì đứng sẽ nhìn xa hơn, không bị lau sậy, cây cối che khuất. Nhìn những ngư dân chèo thuyền bằng chân rất thuần thục và nhịp nhàng nhưng để thực hiện được không dễ dàng chút nào, đòi hỏi sức mạnh, sự nhanh nhẹn và giữ thăng bằng tốt. Ngư dân ở đây cho biết, họ học đánh cá và chèo thuyền từ năm 13 tuổi, có người vẫn làm đến ngoài 70 tuổi. Hình ảnh những người chèo thuyền trên mặt hồ yên ả dưới ánh hoàng hôn để lại một ấn tượng khó phai trong mắt du khách và nó cũng là hình ảnh tiêu biểu của vùng Inle khi xuất hiện trong những tấm bưu thiếp lưu niệm.

Ngoài khám phá vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình ở hồ Inle và cuộc sống của người dân, một hoạt động khác không thể bỏ qua là tham quan các làng nghề thủ công bằng thuyền. Làng nghề có quy mô lớn nhất và có từ lâu đời là làng dệt. Họ dùng nguyên liệu là tơ sen - sợi tơ trắng từ cọng sen khai thác ở chính vùng hồ này, qua các công đoạn se sợi, dệt, nhuộm hoàn toàn thủ công, mất nhiều thời gian và công sức nên những thành phẩm từ tơ sen có giá thành khá cao. Các sản phẩm thủ công đã tạo một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Ngoài làng dệt, còn có làng làm trang sức bạc, làm đồ điêu khắc, làm dù, làm xì gà…

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Dailymail, Inlelake-myanmar)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích