Đến thì thương, đi rồi nhớ...

21/12/2016 | 09:26 GMT+7

Không phải đến giờ Hậu Giang mới làm du lịch, có lẽ từ cái ngày danh ca Út Trà Ôn rao bài vọng cổ: “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy...”, thì du khách đã biết đến đặc sản chợ nổi Ngã Bảy rồi, nhưng qua thời gian, du lịch có những thăng trầm và giờ đây, thương hiệu du lịch Hậu Giang đang được gầy dựng lại bài bản hơn...

Bức tranh du lịch Hậu Giang đã có những gam màu sáng, để cho du khách xa gần đi rồi nhớ, ở lại thấy mến, thấy thương…

Chuyện làm du lịch ở tỉnh trẻ

Kể lại câu chuyện từ khi tiếp nhận phụ trách mảng du lịch, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cười thật tươi: “Tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi cái gì cũng không có”. Nhưng dần dần, sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nghị quyết về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ra đời và sau 2 năm, một số dự án đầu tư đã bắt đầu chuyển động. Cùng với đó, những người làm du lịch luôn tìm tòi từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất, là khai thác thiên nhiên sẵn có, hướng người dân cùng làm du lịch. Giờ, ông Tân đã mạnh dạn giới thiệu một số sản phẩm du lịch, dù vẫn chưa “bằng chị, bằng em”, những sản phẩm ra đời từ sự quyết tâm…

Nhìn ra du lịch đồng bằng

Một số địa phương khu vực ĐBSCL đã khai thác khá tốt tiềm năng du lịch, trong đó, phát huy các điểm du lịch xanh, đỏ sẵn có (khu di tích lịch sử, nét sinh hoạt độc đáo vùng sông nước: chợ nổi); xây dựng mô hình homestay (du lịch cộng đồng), để du khách cùng hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của nông dân, vào tận vườn hái trái cây và thưởng thức với dịch vụ trọn gói, như ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… Tất cả đều hướng đến khẳng định, tạo điểm nhấn riêng cho vùng sông nước, để lại dấu ấn tốt cho du khách trong và ngoài nước đến nơi đây.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ: “Hậu Giang có nhiều điểm độc đáo như Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch Mùa Xuân, Khu sinh thái rừng tràm Vị Thủy cũng đang dần hình thành… Thời gian qua, viện cũng đã có những hỗ trợ để Hậu Giang xây dựng loại hình du lịch cộng đồng ở vùng khóm Cầu Đúc và quýt đường Long Trị, nên cần tiếp tục phát huy và tạo nên những sản phẩm du lịch mới thu hút khách… Hậu Giang cũng cần quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, từng bước đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp và đặc biệt là cần thu hút các dự án đầu tư về du lịch…”.

 

Sinh sau, đẻ muộn, xuất phát điểm thấp, nên những người làm du lịch hướng đến xây dựng du lịch cộng đồng. Phát huy lợi thế vùng khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị nổi danh, ngành đã tổ chức cho người dân ở vùng này đi học tập kinh nghiệm từ các tỉnh, thành trong khu vực đã khai thác du lịch cộng đồng và tổ chức những lớp tập huấn về cách thức làm du lịch. Những người như ông Vu Suổi, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh; ông  Lê Quốc Chiến, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy… là các hộ gia đình được chọn xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn đầu tiên của tỉnh. Ông Lê Quốc Chiến cho biết, nhà có vườn, trồng xoài, được gợi ý, gia đình ông tìm hiểu và quyết tâm xây dựng với mong muốn không gian vườn đẹp hơn, được nhiều người biết hơn. Ông tranh thủ trồng bắp, để ai đến tham quan, khi nghỉ chân có thể thưởng thức sản phẩm từ chính mảnh đất này…

Hậu Giang đang phát triển du lịch sinh thái.

Đến giờ, một số dự án đã được triển khai, đầu tư, như dự án bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước, dự án Khu du lịch sinh thái rừng tràm Vị Thủy do Công ty TNHH Việt Úc làm chủ đầu tư với sản phẩm không chỉ là phong cảnh yên bình của miền quê với đủ loại cây trái đặc sản và còn hướng đến nuôi các loại thủy sản một cách bài bản, có đầu tư dài hơi…, cùng hàng loạt dự án du lịch đang kêu gọi đầu tư như Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu, Lung Ngọc Hoàng, Hồ Tam Giác, Hồ Sen… Mới đây nhất, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân đã được UBND tỉnh đồng ý khai thác du lịch sinh thái, tạo điểm đến thú vị cho người dân.

Tạo dấu ấn riêng

Chúng tôi có dịp tháp tùng cùng một đoàn khách du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh ghé thăm Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp). Dù đã nhiều lần ghé đây, nhưng mỗi lần là một sự ngạc nhiên, bởi sự đầu tư nhanh chóng và định hình những sản phẩm du lịch để tạo dấu ấn cho du khách. Chị Ngọc Như, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thấy điểm mới, nên ghé thử. Từ chuyện ghé thử, nhưng kết quả thu về… thật, ngoài mong đợi. Không chỉ đội ngũ nhân viên phục vụ nhiệt tình, giá cả bình dân, mà chị cùng những người thân trong gia đình có được một ngày thú vị. Chạy xe đạp đôi trên con đường trải nhựa bao quanh khu du lịch 130ha và có thể dừng lại bất cứ nơi nào vừa nghỉ chân, vừa câu cá nếu thích. Không khí trong lành giữa vùng quê yên ả, làm cho mọi muộn phiền của cuộc sống tan biến. Nếu ghé đây mà không đi vỏ lãi len lỏi trong rừng tràm để chiêm ngưỡng vườn chim với gần 100 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như giang sen, điên điển, cò ốc… thì thật uổng phí.

Mọi người cũng có thể bơi xuồng thong dong trên các con rạch, ngắm trời mây, xem cá lội, như một thú tao nhã… Thấm mệt và cơn đói cũng bắt đầu cồn cào, mọi người sẽ được thưởng thức đặc sản bánh xèo với đủ loại rau tự nhiên hái từ trong rừng và những loại rau được trồng rất an toàn, các món ăn đồng quê từ những sản vật của nơi này và thưởng thức tiếng đời, lời ca ngọt lịm của những nghệ nhân đờn ca tài tử xứ Ngã Bảy…

Sự đầu tư có định hướng của Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân đã cho ra đời một sản phẩm du lịch tạo dấu ấn riêng. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng đang từng bước định hình sản phẩm du lịch sinh thái, dù chưa mở cửa đón khách, nhưng nơi đây vẫn phục vụ khi có nhu cầu khám phá “lá phổi xanh” của vùng ĐBSCL này với nét độc đáo riêng.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang, đặc biệt là sự tâm huyết của những người làm du lịch, đã dần hình thành nên chuỗi sản phẩm du lịch, để ai đến đây một lần rồi phải nhớ và ước mong sẽ được một lần trở lại…

Làng nghề đa dạng

Ở đất Hậu Giang, làng nghề khá đa dạng, nổi bật nhất là làng đóng ghe xuồng và đan cần xé ở thị xã Ngã Bảy. Đây là những làng nghề tồn tại trên 50 năm, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, chuyên chở, vận chuyển hàng hóa của người dân vùng chợ nổi xưa. Giờ, sự xôm tụ của làng nghề không còn như trước, nhưng nơi đây vẫn giữ được nét riêng và đặc thù khó hòa lẫn…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>