Giảm nghèo ở tỉnh từng nghèo nhất miền Tây: Từ nỗi lo, quyết tâm biến thành hành động

05/12/2023 | 14:15 GMT+7

Hậu Giang chồng chất khó khăn suốt những năm đầu thành lập, chính vì vậy an cư là câu chuyện nối dài, được Đảng bộ, Chính quyền qua các nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm, để người dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo lạc nghiệp...

Bài  5: An cư lạc nghiệp

Tiếp nối hành động vì an sinh để an dân, năm 2023, tỉnh phát động chương trình xây dựng hơn 1.400 nhà đại đoàn kết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.  

Những mái ấm từ tình đoàn kết và thẫm đẫm  nhân văn, đã tạo động lực và niềm tin cho nhiều hộ nghèo an tâm lao động sản xuất, không chỉ thoát nghèo mà còn đóng góp để xây dựng quê hương.

Những căn nhà đại đoàn kết trao tặng giúp người nghèo có mái ấm an cư, động lực để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Xóm nghèo nay đã khác xưa rất nhiều...

Những năm đầu thành lập, trước khó khăn chồng chất, thiếu cán bộ, thiếu trụ sở, thiếu hạ tầng giao thông, thiếu doanh nghiệp, thiếu ngân sách, nhiều người ví như “đứa con ra riêng”, cán bộ, công chức, viên chức giữa ngổn ngang nỗi lo.

Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh gần 24%. Sau chiến tranh, Hậu Giang có hơn 33.000 người có công với cách mạng, trong đó có gần 2.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 12.500 liệt sĩ, 5.700 thương binh, bệnh binh. Năm đầu chia tách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Hậu Giang lúc đó thấp nhất vùng, chỉ chiếm khoảng 3,8% của đồng bằng sông Cửu Long, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chỉ bằng 11% của tỉnh Cần Thơ, nguồn thu ngân sách mới đảm bảo khoảng 25% nhu cầu, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2004 chỉ bằng tỉnh Cần Thơ 10 năm trước đó.

Trước nỗi lo lớn đó, các vị lãnh đạo tỉnh luôn đặt câu hỏi phải bắt đầu từ đâu ?.

“Bắt đầu từ Dân, là phải chăm lo cho Dân, để Dân an lòng, yên tâm với một tỉnh mới chia tách. Và trong câu chuyện bắt đầu từ Dân được cụ thể hóa bằng việc chăm lo gia đình chính sách, là tốt nhất có thể đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa” để trả một phần nợ ân tình mà cán bộ, chiến sĩ cách mạng nặng mang từ Nhân dân từ những năm kháng chiến”– ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chia sẻ.

Từ năm 2004 đến cuối năm 2022, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa khoảng 29.000 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí hơn 360 tỉ đồng.

Những mái ấm từ tình đoàn kết và  thẫm đẫm sự nhân văn đó, đã tạo động lực và niềm tin cho nhiều hộ nghèo an tâm lao động sản xuất, không chỉ thoát nghèo mà còn đóng góp để xây dựng quê hương.

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, vui mừng vì được hỗ trợ nhà mới.

Chỉ vài tháng trước, gia đình anh Lý Tắc, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A còn ở trong ngôi nhà xuống cấp, nhưng đến nay gia đình anh đã có căn nhà vững chãi. Anh Lý Tắc chia sẻ: “Làm thuê ngày nào đủ ăn ngày nấy, nên rất khó để tích góp cất lại căn nhà. Giờ có được căn nhà như thế này, chúng tôi cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người nhiều lắm”, anh Lý Tắc bộc bạch.

Để lo cuộc sống, anh đi làm thuê, lương mỗi tháng 4 triệu đồng, còn vợ anh ở nhà đan đát. Dù gia đình luôn tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu, nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ xài, đâu có dư dả để cất lại căn nhà lá bị xuống cấp. Rồi ước muốn có được căn nhà mới để an cư của gia đình đã trở thành hiện thực khi được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà Đại đoàn kết.

Khó có thể diễn tả được niềm vui của gia đình ông Nguyễn Văn Hậu, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, khi có được căn nhà kiên cố, bao năm qua, gia đình sống trong căn nhà xuống cấp. Ông Hậu chia sẻ: “Trước kia mỗi lần mưa gió vất vả lắm, nhưng cuộc sống khó khăn nên đành chịu. Được lãnh đạo thị trấn quan tâm, nên gia đình tôi đã có ngôi nhà tốt để ở. Có nhà rồi, tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo”.

Công tác lo an cư cho người dân đã thật sự làm rất tốt, nhưng thống kê đến đầu năm 2023, con số hơn 1.400 hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo còn gặp khó khăn về nhà ở trở thành nỗi lo, niềm trăn trở của tỉnh nhà, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo trong năm 2023 phải phát động chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà để giải quyết khó khăn của người dân.

Chương trình xuất phát từ trái tim, đậm nghĩa đồng bào nên khi phát động đã chạm đến trái tim của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, rồi mọi người cùng chung sức, chung lòng để hoàn thành trọn vẹn chương trình.

1.400 căn nhà đại đoàn kết được phát động xây dựng là nối dài hoạt động xóa cơ bản nhà tạm, nhà dột nát, cất nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, nhà tình thương cho hộ nghèo mười mấy năm trước đó. Chỉ từ khi thành lập đến năm 2010, hơn 22.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương đã được xây dựng, kinh phí hơn 743 tỉ đồng.

Hai địa phương cấp huyện xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo

Trong năm 2023, thành phố Vị Thanh đề ra nhiệm vụ đột phá là xóa nhà dột nát cho người nghèo, chỉ tiêu đề ra là xây dựng 100 căn nhà đại đoàn kết. Đến cuối năm, thành phố xây dựng được 116 căn, vượt chỉ tiêu đề ra.

Cũng trong năm này, thành phố Ngã Bảy vận động xây dựng và bàn giao 86 căn nhà, qua đó thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đột phá là xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Có nhà mới, nhiều hộ gia đình đặt mục tiêu thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Vun đắp niềm tin và hy vọng ở tương lai...

Mấy tháng qua, ông Nguyễn Văn Thảo, ở ấp Thạnh Mỹ C, đã có giấc ngủ thoải mái hơn khi không còn thấp thỏm sống trong cảnh gió lùa, mưa dột nhờ địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới. Nhà hiện tại được xây trên nền đất cũ sẵn có với diện tích 78m2, mái lợp tôn, nền lót gạch, tường kiên cố. Kinh phí khoảng 180 triệu đồng, ngoài nguồn hỗ trợ của địa phương phần còn lại do anh em ông Thảo đóng góp.

Ông Thảo thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, căn nhà trước kia xây dựng bằng cây lá hơn 20 năm, lâu ngày mục nát, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Thảo bộc bạch: “Tôi sống một mình, cha mẹ đã mất lâu. Hàng ngày tôi đi phụ hồ nhưng hôm có việc hôm không, thu nhập bấp bênh nên mong ước có tiền sửa chữa hay cất lại nhà mới là không thể. Có được căn nhà này, tôi mừng và biết ơn nhà nước, mạnh thường quân lắm”.

Như ông Thảo, tết năm nay như đến sớm hơn với gia đình chị Phan Thị Mỹ Hạnh, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh. Có nhà mới, chị và các con không còn lạnh khi những cơn gió Đông bắc thổi mạnh.

Gia đình chị Hạnh nghèo khó vì không có đất đai canh tác, chỉ có nền nhà để ở do người anh cho. Ly hôn chồng từ nhiều năm trước nên chị vừa là mẹ, vừa là cha của 2 đứa con. Để lo cho cuộc sống, chị làm thuê cho người khác, lúc rảnh rỗi đi giăng lưới bắt cá bán kiếm thêm thu nhập. Dù cật lực lao động nhưng cuộc sống cứ bấp bênh, chị không có điều kiện cất mới căn nhà bằng cây lá vốn đã xiêu vẹo, xuống cấp.

“Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì không biết đến khi nào mẹ con tôi mới có được nhà mới để ở. Nhiều lần trước, chính quyền còn hỗ trợ cho tôi gạo, quà vào mỗi dịp lễ, tết. Tôi ngày càng quý mến, tin tưởng cán bộ phường, vì các cô, chú đã thực sự lo cho dân”, chị Hạnh bộc bạch.

Những ngày cận tết, chị quyết định nghỉ đi làm thuê, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa thật tươm tất. Biết 3 mẹ con chị có nhà mới nên dòng họ, xóm giềng cũng vui lây. Tết này, căn nhà nhỏ sẽ không thiếu tiếng cười, những lời chúc nhau bình an, hạnh phúc.

Niềm vui của ông Thảo, chị Hạnh là niềm vui chung của người dân được thụ hưởng từ chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà đại đoàn kết. Nếu tính bình quân 1 hộ có 5 người thì khi xây dựng hơn 1.400 căn nhà sẽ có khoảng 7.000 người được an cư lạc nghiệp.

1.400 căn nhà đại đoàn kết là tấm lòng, là tình yêu thương đậm nghĩa đồng bào, đậm tính nhân văn, nhân lên biết bao nhiêu hạnh phúc đong đầy từ mỗi người dân được nhận nhà và cả các mạnh thường quân...

Một khi đã ổn định nơi ở thì người dân sẽ an tâm làm việc, cơ hội lạc nghiệp rộng mở trong tương lai. Những căn nhà đại đoàn kết đã dệt thêm niềm tin, trao truyền hy vọng, để cùng phấn đấu vươn đến thành công, mỗi người dân Hậu Giang an cư, thoát nghèo, sẽ giúp tỉnh nhà sớm vươn mình thành tỉnh khá của khu vực và cả nước – Ý Đảng hòa quyện lòng dân là ở đó.

Xuất phát từ tinh thần trọng dân

Xuất phát từ tinh thần trọng dân, mong muốn chăm lo đời sống người dân nên Thường trực Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chương trình; đồng thời vận động tài trợ hàng trăm căn nhà vào nguồn lực thực hiện.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được 269 căn nhà, trị giá 13,45 tỉ đồng để đóng góp cho chương trình.

Nhiều vị lãnh đạo Trung ương, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã hỗ trợ Hậu Giang rất nhiều.

Thành quả đóng góp, hỗ trợ từ nhiều nguồn, của cán bộ lãnh đạo, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã giúp cho Hậu Giang hoàn thành chương trình xây dựng hơn 1.400 căn nhà đại đoàn kết.

THU THỦY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>