Xung đột leo thang ở Thổ Nhĩ Kỳ

23/01/2018 | 08:05 GMT+7

Căng thẳng tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục leo thang khi pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa tấn công vào khu vực Afrin của Syria, mở màn chiến dịch quân sự nhằm vào các khu vực do người Kurd kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ điều quân tấn công người Kurd tại Afrin (Syria). Ảnh: RT

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các mục tiêu của lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn tại tỉnh Afrin của Syria thông qua hoạt động quân sự cả trên mặt đất lẫn trên không. Cuộc tấn công có sự yểm trợ của Quân đội tự do Syria (FSA) nhắm trúng các trại và nơi trú ẩn “tự phòng vệ hợp pháp” của Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 108 mục tiêu của người Kurd bị phá hủy.

Song song với tiến hành tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động thêm nhiều vũ khí và xe thiết giáp củng cố an ninh tại vùng biên giới giữa nước này với Syria. Không kích mới chỉ là giai đoạn 1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, lực lượng bộ binh của nước này sẽ tiến hành “các hoạt động cần thiết” nhắm vào khu vực Afrin căn cứ theo tình hình thực địa.

Cuộc tập kích dữ dội đã buộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đáp trả bằng hàng loạt pháo phản lực Grad. Người phát ngôn của YPG khẳng định, các vụ pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 6 dân thường cùng với 3 tay súng YPG và làm bị thương 13 người. YPG tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả. Theo phương tiện truyền thông ủng hộ lực lượng YPG, hiện giao tranh đang diễn ra rất ác liệt tại khu vực Afrin.

Một cuộc tấn công nhắm tới Afrin là hoạt động nhằm mở rộng chiến dịch Lá chắn Euphrates - trước đó đã được Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện để đẩy lùi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng người Kurd ở Syria. Nhờ có chiến dịch Lá chắn Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể giành được ảnh hưởng tại Syria.

Theo giới phân tích, có một số nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỹ quyết khai hỏa tấn công YPG tại Afrin. Trước hết đây được coi là động thái “dằn mặt Mỹ” trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ đang có nguy cơ đổ vỡ, phần lớn liên quan đến vấn đề người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay luôn coi YPG là tổ chức khủng bố, trong khi Mỹ lại coi là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Kế hoạch mới sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ và YPG ngày càng bền chặt hơn và cũng nhờ sự hỗ trợ về chiến thuật và khí tài quân sự của Mỹ, YPG sẽ càng trở nên lớn mạnh hơn. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đang thực hiện các bước đi đáng lo ngại để hợp pháp hóa YPG và giúp họ tồn tại lâu dài tại khu vực - điều mà nước này hoàn toàn không chấp nhận được.

Afrin nằm ở phía Bắc tỉnh Aleppo, hiện do YPG kiểm soát. Nơi đây tách biệt với thành phố Manbij và nhiều khu vực khác thuộc sự điều hành của SDF. Nếu kiểm soát được cả Afrin và Manbij, lực lượng Quân đội tự do Syria (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sẽ kiểm soát được khu vực rộng lớn 200km ở biên giới phía Bắc Syria, từ đó ngăn chặn người Kurd thiết lập hành lang dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria có nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn, trong đó không chỉ hai bên, mà một số nước khác trong khu vực có thể bị lôi kéo. Các nhà phân tích cho rằng, chưa biết là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể có tiếng nói lớn hơn trong tiến trình hòa bình ở Syria hay không, song một điều có thể nhận thấy là chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ trước mắt sẽ khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tiếp tục leo thang cũng như làm gia tăng quan ngại về bất ổn tại Syria sau 7 năm xung đột

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, những động thái như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng xấu tới hòa bình, ổn định của khu vực, không giúp ích gì cho việc bảo vệ an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Nga chỉ trích Mỹ cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, từ đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải động binh đánh người Kurd ở Syria.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>