Vì sao Nga rút quân khỏi Syria ?

23/03/2016 | 06:51 GMT+7

Hơn một tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh rút phần lớn lực lượng vũ trang của Nga đang đồn trú trên lãnh thổ Syria về nước. Đây được xem là một động thái gây bất ngờ đối với các nước phương Tây và các nhà bình luận chính trị trên thế giới.

Các phi công Nga về tới căn cứ không quân Krasnodar sau khi rút khỏi căn cứ ở Syria. Nguồn: AFP/TTXVN

Vào tháng 9 năm ngoái, cả thế giới bất ngờ trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh điều động quân đội Nga đến Syria tham chiến. Khi đó nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao ông Putin quyết định tham chiến với nhiều chi phí tốn kém trong khi nước Nga đang khó khăn mọi bề và khi nào thì Nga tự tìm lối thoát cho mình hay lại sa lầy như quân đội Xô viết trước đây tại Afghanistan ?

Qua gần 6 tháng tham chiến, mới đây hơn một tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ ra lệnh rút phần lớn quân đội Nga đang tham chiến ở Syria về nước. Ông không đặt ra những giới hạn cuối cùng cho việc rút quân, không ấn định thời gian biểu cho việc rút quân mà chỉ thông báo thời gian bắt đầu tiến trình này. Tổng thống Putin cũng không hứa hẹn ngừng triển khai toàn bộ chiến dịch quân sự tại Syria. Ông chỉ đưa ra tuyên bố của việc rút quân là nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Nga đã được hoàn tất. Tổng thống Putin nói: “Tôi tin rằng các nhiệm vụ giao cho Bộ Quốc phòng nhìn chung đã được thực hiện. Vì vậy tôi ra lệnh từ ngày mai (15-3) các đơn vị chính của quân đội chúng ta rút ra khỏi Cộng hòa Arab Syria. Các quân nhân, binh sĩ, sĩ quan của chúng ta đã cho thấy tính chuyên nghiệp, sự phối hợp, khả năng tổ chức chiến đấu cách xa lãnh thổ của mình”.

Tuy rút phần lớn lực lượng, nhưng quân đội Nga sẽ duy trì sự hiện diện tại cảng biển Tartur và căn cứ không quân Hmeymim bên ngoài thành phố Latakia ở Syria. Giới tình báo cho rằng, sau quyết định rút quân bất ngờ của Tổng thống Putin, các tàu chiến của Nga ở biển Caspi và Địa Trung Hải vẫn sẵn sàng can thiệp từ xa vào cuộc chiến, nếu tình hình chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad xấu đi.

Các nhà phân tích lý giải lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định rút phần lớn quân ra khỏi Syria về nước phần nào là do chi phí tốn kém trong khi nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn do giá dầu sụt giảm, bị các nước phương Tây trừng phạt do liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo RBK - tờ báo tư nhân có uy tín của Nga - mỗi ngày Nga phải chi cho sự tham chiến ở Syria khoảng 2,5 triệu USD.

Trước khi Nga đưa quân vào tham chiến tại Syria, đồng minh do Mỹ đứng đầu đã tiến hành nhiều cuộc không kích chống khủng bố tại khu vực này, nhưng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn ngang nhiên hoành hành và mạnh lên mỗi ngày. Tuy nhiên, nhờ sự trợ giúp của quân đội Nga, quân chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã dần chiếm lại được quyền kiểm soát thêm 10.000km2 với hơn 220 điểm dân cư. Quan trọng hơn cả đó là quân đội Syria đã chia cắt được các khu vực phía Đông của thành phố huyết mạch Aleppo, khiến cho vùng tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này không còn hỗn loạn như trước đó. Nạn buôn lậu dầu mỏ đã bị chặn lại và giảm đi đáng kể. Nhờ sự trợ giúp của quân đội Nga, vị thế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày càng được củng cố. Điều này có nghĩa là vai trò của các lực ượng đối kháng với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ yếu đi. Hệ quả tất yếu đã đến khi mà các bên tham chiến (không bao gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng) đứng đầu là Mỹ và Nga đã đồng ý tham gia ký kết vào thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào ngày 27-2 vừa qua (có 40 tổ chức nổi dậy tại Syria tham gia ký kết thỏa thuận này). Cũng chính vì vị thế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được củng cố, nên thay vì đòi lật đổ ông ta bằng mọi cách thì đến nay tiến trình đàm phán, hòa giải hòa hợp đang được bàn thảo và thực thi.

Thời điểm Nga bắt đầu rút quân diễn ra ngay sau khi các cuộc đàm phán hòa bình về Syria được nối lại, tạo cho ông Putin một thời cơ thích hợp để tuyên bố rằng sự can thiệp của Nga hầu như đã hoàn tất, đồng thời thể hiện là một người kiến tạo hòa bình và giúp xoa dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh vốn không hài lòng với chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>