Venezuela đối phó âm mưu lật đổ chính phủ

19/05/2016 | 06:56 GMT+7

Để đối phó với âm mưu lật đổ của phe đối lập, Chính phủ Venezuela vừa quyết định gia hạn Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế mà Tổng thống Nicolas Maduro công bố hôm 13-5, trong đó bổ sung thêm một số quyền hạn. Việc làm này được xem là giải pháp tình thế cứu vãn cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này khi căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập ngày một leo thang.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Nguồn: INFOBAE

Theo đó, Sắc lệnh mới gồm 12 điều và sẽ có hiệu lực trong 60 ngày, sau khi đã được gia hạn hai tháng hồi giữa tháng 3 vừa qua do cuộc khủng hoảng kinh tế mà Venezuela đang phải đối mặt không có dấu hiệu cải thiện. Nội dung của sắc lệnh nhằm bảo vệ các quyền về kinh tế - xã hội của người dân và khái quát các hành động để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Văn bản này sẽ được trình lên Quốc hội, hiện do phe đối lập kiểm soát, để thông qua trong vòng 8 ngày.

Trong một động thái liên quan, mới đây ông Maduro đã ra lệnh cho quân đội tiến hành tập trận trong vòng 1 tuần để đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài. Trước đó, Tổng thống Maduro cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước nhằm đối phó với những âm mưu của phe đối lập nước này cũng như các thế lực bên ngoài tìm cách lật đổ chính phủ cánh tả của ông. Theo kế hoạch, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài trong vòng 60 ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng vũ trang Venezuela khẳng định trung thành với chính phủ và mạnh mẽ lên án “các chiến dịch được tổ chức có hệ thống từ nước ngoài nhằm bôi nhọ và khiêu khích Venezuela”.

Sở dĩ quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng khủng hoảng thời gian qua là do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định gia hạn thêm một năm sắc lệnh coi Venezuela là mối đe dọa đối vớia an ninh quốc gia Mỹ. Động thái trên đã bị Venezuela và nhiều nước Mỹ Latinh, trong đó có Cuba, phản đối quyết định. Và “giọt nước làm tràn ly” khi kết quả bầu cử Quốc hội Venezuela vừa qua, phe đối lập Liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đã giành được 112 trong tổng số 167 ghế, trong khi Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền chỉ được 55 ghế. Kể từ đó đến nay, MUD đã tìm mọi cách để lật đổ tổng thống đương nhiệm, trong đó có việc thu thập và  trình Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) 1,85 triệu chữ ký  để yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về việc phế truất ông Maduro (theo quy định chỉ cần 300.000 chữ ký là đủ điều kiện để trưng cầu dân ý). Tuy nhiên, MUD đã bị cáo buộc có hành vi gian lận trong quá trình thu thập chữ ký khởi động tiến trình bỏ phiếu, thủ tục đầu tiên để tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với ông Maduro nên cuộc trưng cầu ý dân sẽ không diễn ra. Phó Tổng thống Venezuela Aristóbulo Istúriz khẳng định nước này sẽ không tiến hành trưng cầu dân ý bất tín nhiệm đối với Tổng thống Nicolas Maduro bởi thủ tục liên quan tới cuộc bỏ phiếu này “có lỗi”.

Mặc dù sóng gió cơ bản đã qua đi và chính phủ đương nhiệm Venezuela đã và đang có nhiều giải pháp để cứu vãn cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này, tuy nhiên những giải pháp trên chỉ mang tính tình thế thiếu tính bền vững. Bởi lẽ, phe đối lập vẫn chưa từ bỏ ý định phế truất Tổng thống Nicolas Maduro. Về lâu dài nếu không có sự đồng thuận giữa các bên liên quan thì một cuộc nội chiến có thể xảy ra ở quốc gia Nam Mỹ này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>