Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bao giờ hạ nhiệt ?

17/11/2016 | 08:03 GMT+7

Kể từ vụ thử hạt nhân lần thứ 5 hồi tháng 9-2016 của Triều Tiên đến nay, tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tên lửa đạn đạo lớp Taepodong có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Mới đây, Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự tại khu vực biển phía Đông của nước này để tăng cường khả năng đối phó với các loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên. Seoul đã huy động 10 tàu chiến, trong đó có tàu trọng tải 7.600 tấn mang tên Sejong Đại Đế, nhiều tàu ngầm, máy bay tuần tra biển P-3 và máy bay chiến đấu tham gia tập trận. Tư lệnh Hải quân Hàn Quốc, Đô đốc Um Hyun-seong đã kêu gọi lực lượng Hải quân nước này sẵn sàng ở mức độ cao nhất và hành động nhanh chóng nếu bị khiêu khích. Nhiều quan chức thuộc trung tâm phát triển khả năng tác chiến dưới biển (UWDC) của Mỹ cũng tham gia đánh giá khả năng tác chiến của các lực lượng Hàn Quốc trong hoạt động chống tàu ngầm, tàu chiến và máy bay của Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc mới đây tuyên bố sẽ duy trì chính sách hiện nay là tập trung gây sức ép và áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi chính quyền của ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới. Ngoài ra, bộ trên còn cho biết thêm rằng họ sẽ theo đuổi việc tiếp xúc với đội ngũ của ông Trump thông qua nhiều kênh khác nhau để tăng cường sự hiểu biết chung không chỉ về vấn đề hạt nhân mà còn về nhiều vấn đề khác ở Triều Tiên.

Những động thái trên của Hàn Quốc diễn ra trong lúc có nhiều nguồn tin đồn đoán Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan (BM-35). Theo đó, tên lửa này với tầm bắn khoảng 3.500km, có thể vươn tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ, thuộc miền Tây Thái Bình Dương. Hiện tại, có nghiên cứu cho thấy Triều Tiên hiện có đủ nguyên liệu để chế tạo 13 đến 21 vũ khí hạt nhân mỗi năm. Đặc biệt là cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên, gần đây đưa ra cảnh báo rằng chính phủ mới của Mỹ sẽ phải đối phó với Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân. Đồng thời tuyên bố: “Hy vọng của Washington về phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một ảo tưởng lỗi thời”.

Chính những diễn biến trên đã làm cho cả quân đội Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đóng tại bán đảo Triều Tiên đều huy động mọi nguồn lực sẵn có để sẵn sàng đáp trả nếu bị đe dọa. Như vậy, xét trên bình diện chung cả Mỹ và Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh nếu Triều Tiên châm ngòi nổ. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, khả năng xảy ra tình huống xấu này vẫn còn xa. Bởi lẽ, ngoài việc bị cô lập, Triều Tiên vẫn chưa đủ tiềm lực để đối đầu với Hàn Quốc và Mỹ. Mặt khác, theo ông John Delury, phó giáo sư tại Đại học Yonsei (Seoul) chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nếu chiến tranh giữa Mỹ - Hàn với Triều Tiên xảy ra sẽ lôi kéo Trung Quốc vào cuộc. Bởi Trung Quốc đã ký Hiệp ước phòng thủ với Triều Tiên từ năm 1961. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ca ngợi hiệp ước này là “cơ sở pháp lý vững chắc” cho quan hệ song phương trong một thông điệp gửi đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày ký hiệp ước vào hồi đầu năm nay.

Trong một động thái liên quan trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng nguồn gốc, điểm mấu chốt và bản chất của vấn đề hạt nhân Triều Tiên là những xung đột giữa Bình Nhưỡng với Washington. Đồng thời cho biết, nước này khuyến khích mọi hình thức đối thoại nhằm đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trở lại lộ trình đàm phán.

Ngoài ra, tình hình nội bộ Hàn Quốc đang rối rắm từ vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng nên hơn ai hết Bình Nhưỡng vẫn muốn một giải pháp đàm phán hòa bình với Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng, tìm giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên đã và đang được các quốc gia liên quan đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên để giải pháp này thành hiện thực, vấn đề còn lại là thiện chí của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>