Ứng cử viên Donald Trump khó vào Nhà Trắng

19/08/2016 | 07:17 GMT+7

Dư luận cả trong và ngoài nước đều không tán thành với những phát biểu bất đồng của ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump. Đây là trở lực lớn nhất trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của tỉ phú này so với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Ông Trump phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Wilmington, bang Bắc Carolina ngày 9-8.  Ảnh: AFP/TTXVN

Giới quan sát cho rằng, tỉ phú 70 tuổi Donald Trump hiện đang gặp nhiều bất lợi nhất trong cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Mới đây, tại cuộc tiếp xúc ở bang Florida, ông Trump đã hơn 9 lần kêu gọi cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Điều này cho thấy ông Trump đã lo ngại về kết quả tín nhiệm của cử tri đối với mình.

Trước tiên là cách ăn nói khó nghe có chút ngang ngược của ông Trump đã làm cho nhiều cử tri phật ý. Tiếp sau đó là thái độ nhạo báng đối thủ của mình bằng những giọng điệu đùa cợt khiếm nhã không xứng tầm của một ứng cử viên tổng thống. Khi chính thức trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã bắt đầu có những bài phát biểu mang màu sắc chính sách hơn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Donald Trump nhanh chóng quay về với phong cách vốn có. Dư luận đã hết sức bất ngờ trước cách ông đưa ra những bình luận khó hiểu và có phần ngây thơ về nước Nga, tranh cãi và bôi nhọ gia đình một cựu binh Mỹ là người Hồi giáo đã thiệt mạng ở Iraq, cả về đối thủ Clinton, cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Gần đây nhất là phát biểu lấp lửng của ông Donald Trump về việc kêu gọi những người ủng hộ sở hữu súng đạn chống lại bà Hillary Clinton. Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) đã lên tiếng trong một động thái chưa có tiền lệ. Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Hayden nói: “Nếu có ai nói điều đó bên ngoài hội trường, thì anh ta giờ này đang ngồi sau xe cảnh sát và trả lời thẩm vấn của cơ quan mật vụ rồi”.

Trong một động thái liên quan, làn sóng phản đối ứng cử viên Donald Trump ngay trong nội bộ Đảng Cộng hòa đang có xu hướng lan rộng. Mới đây, nhiều chính khách Mỹ và cựu quan chức an ninh Đảng Cộng hòa khẳng định sẽ không bỏ phiếu cho ứng viên Trump. Trong khi đó, 50 cựu quan chức an ninh là thành viên Đảng Cộng hòa đã gửi một bản kiến nghị, phản đối tư cách của ông Trump đại diện cho đảng này tham gia cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Với những từ ngữ chỉ trích khá nặng nề, bản kiến nghị cho rằng ông Trump thiếu kiến thức cơ bản và niềm tin với Hiến pháp, thể chế và luật pháp Mỹ bao gồm tự do tôn giáo, báo chí và tư pháp độc lập, vì vậy không phù hợp lãnh đạo nước Mỹ. Các nhân vật này cũng khẳng định sẽ không bầu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.

Về đối ngoại, phát biểu của ông Trump đã gây ra những phản ứng trái chiều có nguy cơ ảnh hưởng đến ngoại giao của Mỹ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kim Beazley cảnh báo rằng nếu ứng cử viên Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì an ninh quốc gia của Australia có thể bị xáo trộn, đặc biệt liên minh an ninh quan trọng giữa hai nước có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ông Beazley cho rằng nếu ông Trump là Tổng thống Mỹ sẽ đặt ra một loạt thách thức đối với Australia và đẩy chính phủ ở Canberra vào tình thế khó xử. Còn theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sawsan Chebli, Ngoại trưởng  nước này Steinmeier đã một lần nữa chỉ trích ông Trump, cho rằng những phát biểu của nhân vật này gây ra quan ngại cho tương lai thế giới nếu ông ta đắc cử Tổng thống Mỹ.

Giới phân tích nhận định, tỉ phú Trump không hề vạch ra cho mình bất kỳ chiến lược tranh cử cụ thể nào. AFP cho rằng, mỗi khi đối mặt với câu hỏi hay yêu cầu về việc đề ra một đường hướng cụ thể, ông Trump chỉ nhấn mạnh rằng ông là người làm việc theo bản năng. Ông tiến hành các cuộc vận động tranh cử tại các địa điểm ngẫu nhiên, thậm chí nhiều khi là ở cả những bang mà khả năng giành được sự ủng hộ của đa số cử tri là con số 0.

Từ thực tế trên nên tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump cứ giảm dần theo thời gian. Tháng trước có lúc điểm của ông Trump ngang bằng với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Nhưng gần đây, số điểm của ông bị sụt giảm nghiêm trọng. Kết quả thăm dò dư luận của kênh truyền hình NBC News công bố ngày 16-8 cho thấy cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nới rộng khoảng cách với tỉ phú Donald Trump lên tới 9 điểm. Trong tổng số hơn 15.000 người được hỏi trên phạm vi toàn quốc có 50% bày tỏ ủng hộ bà Clinton, trong khi chỉ 41% ủng hộ ông Trump.

Theo giới phân tích, mặc dù còn hơn hai tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, song kết quả thăm dò dư luận trên cho thấy ông Trump bước đầu đã thất bại. Điều này đồng nghĩa với cánh cửa vào Nhà Trắng của tỉ phú Donald Trump càng hẹp lại.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>