Ukraine trả giá đắt từ nội chiến

07/04/2016 | 07:50 GMT+7

Sau hơn 2 năm xảy ra nội chiến ở miền Đông, Ukraine đã có hơn 9.000 người chết và gần 20.000 người khác bị thương. Hệ lụy nặng nề nhất từ cuộc chiến đã làm cho nền kinh tế của quốc gia Đông Âu này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khó có thể phục hồi trong vài chục năm tới.

Một cư dân ngồi trước đống đổ nát từ ngôi nhà bị phá hủy bởi đạn pháo từ các cuộc giao tranh ở Donetsk. Ảnh: Reuters

Theo đó, nền kinh tế của Ukraine đang bị suy thoái nặng nề, tỷ lệ lạm phát cao và đặc biệt khoản nợ công lên tới 118,7 tỉ USD, chiếm 143,9% GDP, buộc Kiev tiếp tục phải đi vay để trả nợ. Các khoản vay quốc tế luôn kèm theo những điều kiện ngặt nghèo, khiến nền kinh tế của Ukraine càng lâm vào cảnh khủng hoảng và người dân càng thêm khốn cùng. Ông Vladimir, một thương binh hạng 2 đã nghỉ hưu ở Kiev bày tỏ thất vọng: “Cuộc sống như trước đây đã bị hủy hoại do cuộc chiến và việc tăng mạnh giá các dịch vụ”. Cuộc sống trước đây mà ông Vladimir muốn nhắc đến là một đất nước Ukraine hiền hòa, xinh đẹp, người dân sống khá sung túc trước khi nội chiến xảy ra. Còn giờ đây có thể nói, người dân Ukraine đã bị bần cùng hóa tới mức vô cùng khó khăn, mong muốn hiện nay của họ là nền kinh tế sớm phục hồi để cuộc sống được khá hơn.

Nguyên nhân chính của hiện trạng trên là do nội chiến đẫm máu liên tục diễn ra ở quốc gia này, nhưng nguyên nhân sâu xa là do bộ máy chính quyền Kiev điều hành kém hiệu quả. Điều này đã dẫn đến hệ lụy đa phần người dân Ukraine đặc biệt là những người về hưu không hài lòng với chính quyền. Họ kêu ca, oán giận và muốn có chính quyền mới. Từ thực tế người dân mất lòng tin vào chính phủ nên các cuộc biểu tình phản đối liên tục diễn ra. Theo đó, ngay tại thủ đô Kiev, các cuộc biểu tình đã diễn ra với hàng loạt các khẩu hiệu phản đối đương kim Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk, đồng thời yêu cầu chấm dứt các loại thuế hà khắc do chính phủ áp đặt.

Trong một diễn biến liên quan trước đó, chính phủ Ukraine đã triển khai kế hoạch cho gần 1,4 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột ở miền Đông được an cư. Tuy nhiên kế hoạch này hoàn toàn bị phá sản do thiếu năng lực về tài chính. Chính những tác động trên buộc chính phủ Kiev phải xin viện trợ và vay tiền của các quốc gia phương Tây để giải quyết nợ công và vực dậy nền kinh tế. Mới đây, Mỹ cũng vừa cam kết cho Ukraine vay 1 tỉ USD với điều kiện quốc gia này thành lập một chính phủ hướng tới cải cách, đồng thời xem đây là yếu tố then chốt để mở khóa viện trợ kinh tế quốc tế. Mặc dù vậy nhưng khi vay tiền từ các nước phương Tây cũng đồng nghĩa với việc Kiev phải tuân thủ các điều kiện khắc nghiệt do họ đề ra. Hơn thế nữa “có vay thì có trả” nên gánh nặng này sẽ làm cho kinh tế Ukraine khó có thể bình phục trong giai đoạn ngắn.

Mặt khác, dù thỏa thuận hòa bình Minsk được thực thi nhưng nội chiến vẫn chưa kết thúc. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống người dân của Ukraine. Trong khi đó, quan hệ truyền thống giữa Ukraine với Nga đã thật sự rạn nứt từ khi Crimea được sáp nhập vào Nga. Điều này đồng nghĩa mọi khoản hỗ trợ của Nga dành cho Ukraine cũng bị cắt đứt, đặc biệt là việc cung cấp khí đốt.

Từ những yếu tố trên, giới quan sát nhận định, kinh tế Ukraine khó có thể được phục hồi trong vài chục năm nữa. Điều này đồng nghĩa với cuộc sống của người dân ở quốc gia Đông Âu này sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Và khi nói về Ukraine, giới quan sát đều cho rằng: “Cái giá phải trả cho cuộc nội chiến ở Ukraine quá đắt, vượt ngoài dự đoán của mọi người”.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>