Tuyên truyền che giấu sự thật

10/06/2016 | 07:17 GMT+7

Càng gần đến ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang vận hành hết công suất để biện minh cho việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của định chế quốc tế này và bác bỏ tính chính đáng của phán quyết này.

Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines và Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố rằng, quan điểm của họ về Biển Đông đã được hơn 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ và xu hướng hậu thuẫn cho Bắc Kinh đang càng lúc càng lớn mạnh. Thực hư của tuyên bố này ra sao cho đến nay vẫn chưa rõ, nhưng điều chắc chắn duy nhất là trong vài tháng gần đây, không chỉ có hệ thống tuyên truyền thông tin đối ngoại của Trung Quốc, mà hầu hết các nhà ngoại giao của quốc gia này ở nhiều nước đã lên tiếng bênh vực cho lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ những nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp cho tới cả các nước nhỏ và những quốc gia không có liên quan gì đến Biển Đông. Có bài báo nêu bật quan điểm chính thống của Trung Quốc về Biển Đông, kết tội Philippines là đã có hành động vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và thỏa thuận song phương với Bắc Kinh khi kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc; đồng thời Bắc Kinh tự nhận mình là nạn nhân bị Philippines “bắt bí”.

Mới đây, phát biểu sau khi Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ lần thứ 8 diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh kết thúc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh chưa từng và sẽ không thay đổi lập trường của mình về Biển Đông. Ông cũng nói rằng Mỹ không nên can thiệp vào những tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc tại La Haye (Hà Lan) liên quan đến các tranh chấp ở vùng biển này.

Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh đã không đánh lừa được giới quan sát. Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại Đại học Maine (Mỹ), cho rằng chiến dịch tuyên truyền mà Bắc Kinh tung ra nhằm lấp liếm sự thật về những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và tìm cớ biện hộ cho việc chống lại một phán quyết quốc tế. Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Từ Hoành tuyên bố: “Trên quan điểm luật pháp, vụ việc là tiến trình luật thông thường giữa Trung Quốc và Philippines, bất chấp thực tế hai nước có quan điểm khác biệt. Thế nhưng cái mà chúng ta chứng kiến hiện nay rõ ràng là một vở kịch được dàn dựng mà ở đó không chỉ diễn viên chính, diễn viên phụ, mà còn cả những kẻ giấu mình làm khán giả hòa giọng cùng nhau”. Ông Từ Hoành đã ngầm công kích quan điểm của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước phương Tây về tranh chấp ở Biển Đông. Ông này đã một lần nữa tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc. Những bình luận gay gắt này được xem là nỗ lực sau cùng của Bắc Kinh nhằm hạ bệ uy tín của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc, cơ quan dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường 9 đoạn” phi lý ở Biển Đông nhiều khả năng sẽ theo hướng có lợi cho Philippines. Giới phân tích nhận định, phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) đưa ra theo hướng có lợi cho Philippines sẽ là cú đánh mạnh vào ý đồ đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở khu vực, tạo tiền lệ để các bên có tranh chấp khác có bước đi tương tự. Việc từ chối công nhận phán quyết dựa trên hệ thống luật pháp sẽ khiến Trung Quốc bị phần còn lại của thế giới xem là kẻ ức hiếp. Cách hành xử không tuân thủ luật này sẽ phá hỏng mong muốn của Bắc Kinh về cái gọi là “sức mạnh mềm”.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>