Trung Quốc mưu đồ độc chiếm Biển Đông cả 3 chiều

14/06/2016 | 07:21 GMT+7

Sau bồi đắp các đảo ngầm trái phép đi cùng quân sự hóa ở Biển Đông, rồi đến việc từng bước tiến hành thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), gần đây, Trung Quốc lại có dự định xây dựng “trạm vũ trụ” dưới biển. Những động thái trên cho thấy, Bắc Kinh quyết tâm độc chiếm Biển Đông cả 3 chiều: vùng biển, vùng trời và dưới lòng đại dương, bất chấp dư luận quốc tế phản đối.

Tàu ngầm hạt nhân 09X của Trung Quốc - mối đe dọa mới.

Hãng tin Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực thiết kế và xây dựng một công trình dưới biển (hay còn gọi là “trạm vũ trụ” phiên bản đại dương) nằm sâu dưới mặt nước biển 3.000m để phục vụ cho hoạt động tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông, song công trình này cũng có thể mang mục đích quân sự. Đây là dự án được xếp ở vị trí thứ 2 trong danh sách 100 dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên hàng đầu từng được đề cập trong kế hoạch kinh tế 5 năm của Trung Quốc công bố hồi tháng 3. Mới đây, nhà chức trách Trung Quốc đã xem xét khả năng thực thi dự án và quyết định đẩy nhanh tiến độ. Bộ Khoa học Trung Quốc khẳng định công trình này có thể di chuyển được cũng như phục vụ cho mục đích quân sự. Theo các nhà phân tích của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Trung Quốc còn dự kiến xây dựng một mạng lưới các thiết bị cảm biến mang tên “Dự án Vạn Lý Trường Thành dưới nước” để phát hiện tàu ngầm Nga và Mỹ.

Về mặt lý thuyết, Trung Quốc cho rằng, công trình này nhằm mục đích tìm kiếm khoáng sản dưới đáy biển, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng phục vụ quân sự. Bởi lẽ những công trình bồi đắp trái phép các bãi đá ngầm trước đây Bắc Kinh cũng cho là phục vụ an toàn hàng hải nhưng thực chất là đã quân sự hóa nên lần này chắc cũng không ngoại lệ. Để biện minh cho mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cho rằng, mục đích chính mà phía Trung Quốc đưa ra kế hoạch xây dựng “trạm không gian” dưới lòng biển này là nhằm tìm kiếm và khai thác khoáng sản ở Biển Đông, kiểm soát những công nghệ làm chìa khóa để khám phá những “kho báu”. Bắc Kinh cho rằng việc hoàn thành “trạm không gian” phiên bản đại dương như vậy sẽ giúp nước này rút ngắn khoảng cách so với các nước như Mỹ, Pháp và Nga về công nghệ dưới biển.

Ông Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, việc xây dựng một trạm không gian ở độ sâu 3.000m là chưa từng có tiền lệ nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là làm sao để vận hành hệ thống như thế liên tục trong nhiều tháng và chi phí xây dựng công trình này sẽ cực kỳ lớn. Theo một số chuyên gia, Biển Đông là khu vực có dầu mỏ và khí đốt, còn các khoáng sản khác rất ít, bởi vậy không thể xem nhẹ khả năng đây lại là một chiêu quân sự hóa mới của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trước đó, ASEAN, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản… đã có những động thái phản đối việc Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo ngầm đi liền với quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời cực lực lên án Bắc Kinh có những hành vi gây hấn trên vùng biển này. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cũng cho biết tốc độ bồi đắp các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc trên Biển Đông hiện chiếm khoảng 1.200ha, khiến nhiều nước quan ngại. Theo ông Gerry Brownlee: “Thế giới trước đây thực sự chưa từng phải đối phó với vấn đề này”; đồng thời ông khẳng định New Zealand không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, song ủng hộ các quy định của luật pháp quốc tế.

Như vậy, cùng với bồi lấp trái phép các đảo ngầm đi cùng với quân sự hóa, Bắc Kinh đang từng bước tiến hành thiết lập ADIZ và chuẩn bị xây dựng “trạm vũ trụ” dưới biển là một thực tế. Nếu những việc làm trên thành hiện thực thì Trung Quốc nghiễm nhiên kiểm soát Biển Đông cả 3 chiều không gian: vùng trời, vùng biển và đáy đại dương. Điều này sẽ gây bất lợi lớn không chỉ các nước trong khu vực mà cả tự do hàng hải của nhiều quốc gia liên quan. Yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, dừng ngay các hành động lấn chiếm phi pháp, trả lại bình yên cho Biển Đông là việc cần được các quốc gia liên quan quan tâm hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>