Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

04/08/2016 | 06:29 GMT+7

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan, bác bỏ các yêu sách về “quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã có những động thái phản ứng quyết liệt bằng nhiều hình thức làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Đoàn người biểu tình hô vang các khẩu hiệu phản đối các hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: VIETNAM+

Sau tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA, hành động đầu tiên của Trung Quốc là tác động gây sức ép với một số quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ngăn cản không ra tuyên bố về phán quyết của PCA. Hãng AFP dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á (giấu tên) cho biết, ASEAN sẽ không ra tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Nhà ngoại giao này cho biết thêm: “Các quan chức ASEAN đã soạn một bản dự thảo nhưng không đạt được sự đồng thuận chung để ra tuyên bố”. Đồng thời nhà ngoại giao giấu tên cho biết thêm Trung Quốc đã có tác động đến một số đồng minh của họ trong khối ASEAN để ngăn chặn việc ra tuyên bố. “Một số quốc gia ASEAN hẳn là không hài lòng. Hành động của Trung Quốc được xem là can thiệp vào nội bộ khối”, nhà ngoại giao này cho hay.

Tiếp sau tác động trên, Bắc Kinh đã tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều kênh thông tin như ngoại giao, báo chí, phát thanh, truyền hình… về chủ quyền vô căn cứ của quốc gia này trên Biển Đông. Theo đó, từ ngày 23-7 cho đến hết ngày 3-8, Trung Quốc cho phát một chương trình video với tần suất phát sóng 120 lần/ngày tại biển quảng cáo thuê trên Quảng trường Thời đại ở thành phố New York của Mỹ, nhằm tuyên truyền cho yêu sách phi lý của nước này trên Biển Đông, vốn đã bị PCA bác bỏ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thì cách thức tuyên truyền của Trung Quốc không có giá trị đối với người dân Mỹ và dư luận quốc tế.

Theo giới quan sát, Trung Quốc đã thực sự thất bại trong nỗ lực tuyên truyền sai trái chủ quyền ở Biển Đông vì bóp méo sự thật bằng những chứng lý vô căn cứ. Hệ lụy của nó không chỉ làm mất lòng tin đối với những quốc gia lân cận mà còn giảm uy tín đối với quốc tế vì một nước lớn lại hành động ngang ngược không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong một động thái liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Philippines đã thực hiện nỗ lực hợp pháp và hòa bình để giải quyết tranh chấp hàng hải với Trung Quốc thông qua PCA. Theo ông Obama, phán quyết của tòa đã đưa ra một quyết định rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các đòi hỏi hàng hải liên quan tới Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, phán quyết này cần được tôn trọng. Ông Obama cũng khẳng định Mỹ luôn cam kết bất kỳ hành động nào của mình cũng phù hợp với luật pháp quốc tế và sự tham gia của Mỹ tại châu Á không nhằm vào một quốc gia nào. Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc và các nước có tranh chấp thúc đẩy giải quyết hòa bình các bất đồng ở Biển Đông. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định phán quyết của PCA là “phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý”.

Trong khi đó, Ngoại tưởng Australia Julie Bishop cho rằng Bắc Kinh có thể chịu tổn hại nếu không công nhận phán quyết này. Bà kêu gọi tất cả các bên ở Biển Đông giải quyết xung đột một cách hòa bình, khẳng định Australia sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này, đồng thời ủng hộ quyền của các nước khác có hành động tương tự.

Trước đó, trang tin The Times of India cho biết trong một thông điệp nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng “chiến thuật mạnh tay” ở Biển Đông, Ấn Độ và Nhật Bản thúc giục tất cả các bên liên quan triệt để tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và tuân thủ phán quyết của PCA.

Một thông tin liên quan cho biết hiện Trung Quốc đang xúc tiến thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nhằm khống chế hàng không tại đây. Theo Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), ông Gregory Poling, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông là không thể tránh khỏi, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Nếu việc này xảy ra thì căng thẳng ở Biển Đông càng leo thang. Điều này sẽ là tác nhân để các quốc gia liên quan vào cuộc nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trên Biển Đông, nhất là tự do hàng hải và hàng không. Muốn hạ nhiệt căng thẳng, hơn ai hết Trung Quốc cần có động thái kiềm chế và tuân thủ phán quyết của PCA. Tuy nhiên việc này khó đối với Bắc Kinh bởi tham vọng độc chiếm Biển Đông của quốc gia này vẫn chưa thể từ bỏ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>