Trừng phạt Nga là việc làm vô nghĩa

25/01/2018 | 07:54 GMT+7

Cả Mỹ và EU liên tục áp đặt lệnh trừng phạt Nga nhưng tất cả dường như vô nghĩa, bởi lẽ chẳng những Nga không nao núng mà còn lớn mạnh theo thời gian.

Hệ thống S-400 Triumph của Nga diễu hành ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, lệnh trừng phạt chống Nga từ phía Mỹ là vô nghĩa và không tác động đến chính sách đối ngoại của nước này. Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Nga đưa ra ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra danh sách một số lãnh đạo cấp cao của Nga sẽ bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt. Trước đó, hồi tháng 8-2017, ông Trump đã ký một văn bản mới nhằm chống lại Nga. Ông Lavrov khẳng định: Chính sách đối ngoại của Nga dựa trên những lợi ích cơ bản của dân tộc và không hề chịu một áp lực nào từ bên ngoài. Thực tế là chính sách đối ngoại của Nga luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội. Việc gây sức ép đối với những quan chức và các công ty của Nga là bằng chứng rõ nhất những áp đặt can thiệp từ bên ngoài. Ông cũng nêu rõ trong nhiều năm qua, Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt vô căn cứ chống Nga, song đến nay vẫn không thể thay đổi “chính sách mang tính xây dựng, cởi mở và trung thực của Nga”.

Đề cập tới quan hệ Nga - Mỹ, Ngoại trưởng Nga khẳng định Matxcơva không tìm kiếm sự đối đầu với Washington, trái lại luôn sẵn sàng cải thiện và hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương. Tuy nhiên, những nỗ lực này khó có thể đạt được kết quả như mong muốn khi tư tưởng chống Nga ở Mỹ đang chiếm ưu thế, thậm chí còn mạnh hơn thời Chiến tranh Lạnh. Ông đồng thời tuyên bố Nga có những “giới hạn đỏ” của mình trong chính trị, và phương Tây cần phải tôn trọng.

Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Matxcơva liên quan đến vấn đề bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi năm 2014, cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, bầu cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ và bất đồng quan điểm về cuộc chiến tranh tại Syria. Theo đó, hàng loạt ngân hàng và công ty Nga, cũng như nhiều công chức nước này đã bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt trên của Mỹ. Các hoạt động đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vào Crimea cũng bị đình chỉ. Các biện pháp trừng phạt này đã nhiều lần được chính quyền Washington mở rộng và gia hạn.

Mặt khác, sự cạnh tranh về quân sự giữa các bên cũng không hề giảm nhiệt. Trong năm 2017, Nga đã tiến hành cuộc tập trận chung với Belarus mang tên Zapad 2017 có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nga khẳng định cuộc tập trận này không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ 3 nào và mục đích chính là “duy trì an ninh cho Nga và Belarus”- điều mà Mỹ và các đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không bao giờ tin. Cuộc tập trận này về sâu xa là Nga muốn đối phó với sự gia tăng quân sự của NATO khi tổ chức này quyết định triển khai 4 lữ đoàn tới khu vực Đông Âu, giáp biên giới với Nga.

Thực tế, lịch sử cũng đã chứng minh Nga - Mỹ chưa từng nao núng trước đối phương. Trong bối cảnh, Washington tháng trước tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các vũ khí phòng vệ mạnh mẽ, thì Nga cách đây hơn một tuần cũng triển khai đơn vị S-400 thứ 2 tới Crimea. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Các nước phải coi hành động của Nga là nhằm đảm bảo an ninh chính đáng”. Trong khi đó, trong chiến lược an ninh quốc gia mới nhất, Tổng thống Trump đã chỉ trích Nga “là một trong các đối thủ chính trị” đang tìm cách xây dựng một trật tự thế giới mới cả trên phương diện quân sự cũng như kinh tế để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Nga cũng rơi vào tình thế “ăn miếng trả miếng” suốt 3 năm qua. Nguyên nhân chính cũng từ những cáo buộc thiếu căn cứ của phương Tây đối với Nga về khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Theo đó, cứ mỗi 6 tháng EU lại xem xét gia hạn trừng phạt Nga. Gần đây nhất, Hội đồng EU bao gồm 28 quốc gia thành viên đã kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31-7-2018.

Đáp trả lại lệnh trừng phạt trên, Nga đã thiết lập lệnh cấm vận đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của châu Âu mặc dù phía Nga vẫn muốn sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với EU. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU với thời gian là 6 tháng.

Thực tế, cả Mỹ, EU và Nga đều nhận thức được trừng phạt lẫn nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng” chỉ dẫn đến thiệt hại mà không mang lại lợi ích nào. Do vậy hạ nhiệt căng thẳng tiến đến bình thường quan hệ giữa Mỹ, EU và Nga là giải pháp cần thiết hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích