Triều Tiên muốn khẳng định vị thế của lãnh đạo Kim Jong-un

10/05/2016 | 07:20 GMT+7

Chính sách “Song tiến” là nhiệm vụ trọng tâm được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra trong chiến lược phát triển 5 năm từ 2016-2020. Theo đó, Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển hạt nhân song hành với phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện đời sống nhân dân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh trái, phía trên) phát biểu tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên ngày 8-5.

So với chính sách “Tiên quân” ở Đại hội 6 thì chính sách “Song tiến” được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên (DPRK) lần này rõ ràng có nhiều tiến bộ hơn. Bởi lẽ, ngoài kế thừa phát triển quân sự đi kèm với vũ khí hạt nhân, chính sách “Song tiến” còn tập trung vào phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện đời sống nhân dân và giải quyết tình trạng thiếu điện. Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, điều kiện tiên quyết để làm được việc này chính là giải quyết tình trạng thiếu điện, bằng cách tăng cường nguồn điện hạt nhân trong khi vẫn tập trung vào thủy điện. Tuy nhiên muốn đạt được điều đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng Lao động Triều Tiên trong giai đoạn 2015-2020 là thực hiện thống nhất đất nước. Trong đó, vấn đề cấp bách nhất là phải cải thiện về cơ bản mối quan hệ với Hàn Quốc. Theo Triều Tiên, hai bên cần tôn trọng lẫn nhau và cùng chung tay nhằm mở ra một chương mới cho việc cải thiện mối quan hệ liên Triều và chiến dịch thống nhất đất nước. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi Hàn Quốc giảm tâm lý đối đầu và các rào cản pháp lý và thể chế, cũng như có các bước thiết thực để tạo thuận lợi cho sự phát triển các mối quan hệ. Hai bên cần khuyến khích, thúc đẩy các cuộc đối thoại và đàm phán, gạt bỏ sự hiểu lầm để đạt được sự thịnh vượng chung.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Triều Tiên cũng tuyên bố nước này sẽ nỗ lực vì một thế giới phi hạt nhân và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh với tư cách là một quốc gia sở hữu hạt nhân có trách nhiệm, Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng các vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền đất nước bị các cường quốc hạt nhân đe dọa.

Phản ứng trước tuyên bố trên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định: “Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế có chung quan điểm cho rằng Triều Tiên không nên được công nhận là quốc gia sở hữu hạt nhân”. Cùng quan điểm trên, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Masahiko Shibayama yêu cầu Triều Tiên không có thêm những hành động khiêu khích, như tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm, đồng thời cho biết: “Triều Tiên cần cho thấy những nỗ lực loại bỏ mối quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua hành động”.

Theo giới quan sát, thật khó đoán được Bình Nhưỡng đã phát triển và sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân và sức mạnh thật sự của những loại vũ khí này. Tuy nhiên, rõ ràng Triều Tiên đã và đang phát triển loại vũ khí hủy diệt mà cả thế giới quan tâm. Cộng đồng quốc tế luôn mong muốn đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa ở Bán đảo Triều Tiên, nhưng lựa chọn giải pháp như thế nào là hợp lý là điều cần được các quốc gia liên quan quan tâm. Thực tế lệnh trừng phạt bao vây, cấm vận chỉ là giải pháp tình thế mang tính đối phó với Bình Nhưỡng. Điều kiện cần và đủ là một giải pháp căn cơ mang tính lâu dài vừa có thể buộc Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân nhưng cũng tạo điều kiện để quốc gia này phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân. Đây mới thật sự là lời giải cho bài toán phi hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>