Triển vọng mở rộng hợp tác ASEAN – Nga

25/05/2016 | 07:27 GMT+7

Vừa qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga đã tổ chức hội nghị cấp cao tại thành phố Sochi của Nga đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nga. Đây là sự kiện mở ra triển vọng hợp tác chiến lược giữa hai bên trong thời gian tới.

Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sochi. Ảnh: AP

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga chính thức thiết lập quan hệ vào tháng 7 năm 1996. Từ đó đến nay, quan hệ ASEAN - Nga đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự - an ninh, văn hóa…

Mối quan hệ ASEAN - Nga về chính trị phát triển ngày càng sâu rộng. Tháng 6 năm 2003, ASEAN và Nga đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác vì Hòa bình, An ninh, Thịnh vượng và Phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặt khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và chuyên ngành. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần thứ nhất tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 12 năm 2005, ASEAN và Nga đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ, đồng thời thông qua Chương trình Hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2005-2015. Năm 2006, Nga đã trở thành Đối tác Đối thoại đầy đủ của ASEAN. Tháng 10 năm 2010, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội, hai bên đã nhất trí tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2005-2015.  

Mặc dù có tiềm năng, song hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Nga còn hạn chế so với các đối tác khác của ASEAN, như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia. Trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa Nga với các nước ASEAN đã tăng gấp đôi và đạt con số 21,5 tỉ USD vào năm 2014. Nga và các nước ASEAN là những đối tác thương mại có thể bổ sung cho nhau bởi Nga chủ yếu xuất khẩu nhiên liệu, năng lượng, máy móc công nghệ cao, thiết bị quân sự, các sản phẩm hóa chất, là những mặt hàng nhập khẩu chính của các quốc gia ASEAN, trong khi đó các nước ASEAN có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng chế tạo mà Nga có nhu cầu cao.

Trong hợp tác quốc phòng - an ninh, năm 2004, Nga đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), khẳng định cam kết của Nga đối với hòa bình và an ninh khu vực. Nga đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác an ninh đa phương khu vực do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM+) mở rộng.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động như hiện nay, cả ASEAN lẫn Nga đều đang phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa lớn, cả truyền thống lẫn phi truyền thống, cả toàn cầu, khu vực lẫn từng quốc gia. Nguy cơ khủng bố đang ngày càng gia tăng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đe dọa mọi quốc gia trên thế giới. Những mâu thuẫn và căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, tham vọng của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là tại Biển Đông, đang đe dọa ổn định và an ninh khu vực. Tình thế bị cô lập do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - giảm giá mạnh đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga. Trong khi đó, Cộng đồng ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn khi mà khác biệt, chênh lệch giữa các thành viên vẫn là rào cản cho quá trình hội nhập và xây dựng một ASEAN vững mạnh.

Những lợi ích đan xen trong một thế giới mà hợp tác và hội nhập đang chi phối chính sách của từng quốc gia ngày càng khiến ASEAN và Nga xích lại gần nhau hơn cũng như nâng tầm quan hệ lên một cấp độ mới. Nga coi hợp tác chặt chẽ với ASEAN là một trong những phương hướng then chốt trong việc thực hiện đường lối tăng cường vị thế của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nước ASEAN cũng muốn nâng tầm quan hệ với Nga, bởi Nga là đối tác quan trọng, có tiếng nói và ảnh hưởng to lớn trên trường quốc tế. Đó cũng là lý do để Nga chọn chủ đề “Hướng tới Đối tác chiến lược vì lợi ích chung” cho Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần này.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga, hai bên đã ra Tuyên bố chung nêu rõ, ASEAN và Nga thống nhất xem xét tất cả các khía cạnh phát triển trong quan hệ đối thoại ASEAN - Nga, đồng thời nhất trí cam kết một số vấn đề lớn. Đó là tăng cường quan hệ đối thoại hơn nữa dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và thịnh vượng chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục tiêu hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>