Tình hình bán đảo Triều Tiên lại “nóng” lên

25/01/2016 | 08:03 GMT+7

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong mấy mươi năm qua có lúc căng thẳng, có lúc lắng dịu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhất là sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6-1 vừa qua, thì tình hình trên bán đảo này lại “nóng” lên khiến dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Binh sĩ Hàn Quốc điều chỉnh các thiết bị để nối lại chương trình phát thanh chống Triều Tiên gần khu vực biên giới hai miền. Nguồn: YONHAP/TTXVN

Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, phía Hàn Quốc, Mỹ và một số nước đã lên án và tuyên bố có những biện pháp đáp trả. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp hiệu quả có thể được, bao gồm các lệnh trừng phạt tại Liên Hiệp Quốc, để Triều Tiên phải trả giá thích đáng. Chính phủ Hàn Quốc sẽ không cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động giao lưu dân sự trực tiếp nào với Triều Tiên vào thời điểm hiện nay, khi cộng đồng quốc tế đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Triều Tiên. Theo Luật An ninh quốc gia hiện hành của Hàn Quốc, các công dân nước này phải được chính phủ cho phép trước khi tiếp xúc với người Triều Tiên.

Theo các nguồn tin, Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo lần thứ nhất vào tháng 5-2015, lần thứ hai vào tháng 11-2015, lần thứ ba phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào tháng 12-2015 và gần đây nhất là lần thứ tư vụ thử bom nhiệt hạch vào ngày 6-1 vừa qua. Phát biểu tại cuộc họp thường niên về an ninh quốc gia của Hàn Quốc, với sự tham dự của Thủ tướng cùng các quan chức cấp cao về an ninh của nước này, Tổng thống Park Geun Hye nêu rõ: “Triều Tiên tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân cũng như các nguồn lực khác như thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm”. Do đó, Tổng thống Park Geun Hye đã kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để duy trì hệ thống an ninh chặt chẽ nhất, trong đó an ninh công cộng là ưu tiên số một.

Sau vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, Hàn Quốc đã nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở khu vực biên giới. Đáp trả lại hành động này, Triều Tiên đã tiến hành rải gần một triệu truyền đơn vào Hàn Quốc bằng khinh khí cầu.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến trong năm nay sẽ thiết lập mạng lưới thông tin quân sự mới với Mỹ và Nhật Bản, nhằm chia sẻ các thông tin văn bản và hình ảnh về các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Mạng này sẽ kết nối Bộ Quốc phòng Hàn Quốc với Bộ Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và Bộ Quốc phòng Nhật Bản, giúp các đồng minh này chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động của Triều Tiên trong lĩnh vực nói trên.

Thông tin từ Hàn Quốc cho biết, máy bay ném bom tàng hình B-2, loại vũ khí chiến lược quan trọng nhất của Mỹ được trang bị bom hạt nhân và bom thông minh (bom được dẫn hướng chính xác), sẽ được triển khai ở bán đảo Triều Tiên vào tháng 2 tới. Trước đó, máy bay ném bom tầm xa B-52, loại vũ khí chiến lược của Mỹ, cũng đã bay trên không phận của bán đảo Triều Tiên với nhiệm vụ bảo vệ Hàn Quốc. Mỹ cũng đã triển khai 14 máy bay tiêm kích tàng hình F-22 tới Nhật Bản. Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho rằng: “Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã cho thấy rõ rằng môi trường an ninh xung quanh đất nước chúng ta đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, khả năng răn đe do quân đội Mỹ mang lại trên cơ sở liên minh Nhật - Mỹ là không thể thiếu đối với an ninh của Nhật Bản”.

Để hạ nhiệt tình hình hiện nay, Triều Tiên đã kêu gọi ký kết một thỏa thuận hòa bình với Mỹ, cùng với đó là việc Mỹ ngừng các hoạt động tập trận với Hàn Quốc, coi đây là những điều kiện để Triều Tiên chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói: “Hiện các đề xuất về gìn giữ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á, trong đó bao gồm cả đề xuất về chấm dứt hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng và ký kết thỏa thuận hòa bình với Mỹ để đổi lấy việc Washington ngừng tập trận chung với Hàn Quốc vẫn còn hiệu lực”. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Hàn Quốc bác bỏ. Hiện Mỹ đang có khoảng 28.500 quân đóng tại Hàn Quốc và hàng năm, Mỹ và Hàn Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận chung. Do vậy, tình hình trên bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng đối đầu, có lúc lại rất căng thẳng, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã đưa ra đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán 5 bên với Mỹ, Trung Quốc và các đối tác khác trong khu vực để thảo luận cách thức phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bà Park Geun Hye nói: “Chúng ta cần phải tìm nhiều cách tiếp cận sáng tạo, kể cả việc thử tiến hành các cuộc đàm phán 5 bên mà không có Triều Tiên”. Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đưa ra đề xuất trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ: “Với tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, đàm phán trực tiếp là cách thức căn bản để giải quyết các vấn đề. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ thận trọng tuân thủ các nguyên tắc và tinh thần của tuyên bố chung ngày 19-9-2005 và nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán 6 bên nhằm thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nỗ lực để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực Đông Bắc Á”.

Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến cho cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Để đi đến đạt được thỏa thuận hòa bình, ổn định, các bên cần hết sức kiềm chế, tôn trọng lợi ích của nhau và cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>