Tiến trình hòa đàm ở Yemen chưa có lối ra

11/08/2016 | 07:51 GMT+7

Việc phiến quân Houthi công bố danh sách Hội đồng chính trị tối cao dẫn đến phái đoàn chính phủ Yemen rút khỏi hội đàm đã làm đổ vỡ tiến trình hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Điều này sẽ làm cho tình hình tại Yemen tiếp tục chìm trong hỗn loạn.

Khói lửa bốc lên sau cuộc không kích của liên quân ở thủ đô Sanaa, Yemen. Ảnh: Reuters

Mới đây, phong trào vũ trang Hồi giáo Houthi và Đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã công bố danh sách Hội đồng chính trị tối cao Yemen gồm 10 thành viên sẽ đơn phương điều hành đất nước. Quyết định trên được công bố tại Phủ Tổng thống do Houthi chiếm giữ ở thủ đô Sanaa. Theo đó, lực lượng này đã chỉ định thủ lĩnh cấp cao Saleh al-Sumad làm Chủ tịch Hội đồng và Kasim Labuzah, cựu Chủ tịch GPC làm Phó Chủ tịch. Dịp này, ông Hussein Hazeb, một thành viên của Đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc cũng kêu gọi người dân Yemen ủng hộ Hội đồng này để cùng tham gia cuộc diễu hành nhằm bày tỏ sự ủng hộ và hỗ trợ đối với Hội đồng chính trị tối cao. Theo tuyên bố của Houthi, Hội đồng mới sẽ lãnh đạo đất nước trong mọi vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh và hoạch định các chính sách công của Yemen phù hợp với Hiến pháp. Hành động đơn phương này của lực lượng vũ trang Hồi giáo Houthi tiếp tục làm tổn hại nghiêm trọng đến tiến trình hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Trong một diễn biến liên quan, cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ tổ chức tại Kuwait chưa đạt được bất cứ một thỏa thuận nào nhằm chấm dứt nội chiến ở Yemen. Đàm phán rơi vào bế tắc khi các bên không thể thống nhất những vấn đề then chốt. Hai vấn đề bất đồng lớn nhất hiện nay là phía Houthi yêu cầu thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trước khi tiến tới bất kỳ một giải pháp nào khác. Còn phái đoàn Chính phủ Yemen kêu gọi thực thi Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó yêu cầu phiến quân Houthi và các đồng minh phải rút khỏi các khu vực mà họ chiếm giữ từ năm 2014, bao gồm cả thủ đô Sanaa, và bàn giao các vũ khí hạng nặng. Thực tế cả hai vấn đề này, các bên liên quan đều không đồng thuận nên rất khó có kết quả khả quan cho dù được Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc, ông Ould Cheikh Ahmed khẳng định: “Không gì có thể thay thế cho một giải pháp chính trị tại Yemen”. Đồng thời, ông cũng hối thúc các bên tham chiến sớm quay lại bàn đàm phán nhằm tìm được một giải pháp cho cuộc xung đột. Ông Ahmed cho biết thêm, đàm phán hòa bình ở Yemen vẫn chưa thất bại và hai phía cần phải nhượng bộ để tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua. Theo đó, dự kiến các bên liên quan sẽ nối lại vòng đàm phán trực tiếp trong vòng 1 tháng tại địa điểm được thống nhất sau, mà nhiều khả năng vẫn là Kuwait. Đây được xem là “ánh sáng cuối đường hầm” với hy vọng sẽ tìm được giải pháp khả thi cho cuộc hòa đàm tiến tới chấm dứt nội chiến đẫm máu ở quốc gia Trung Đông này.

Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh năm 2012. Tình hình an ninh đã trở nên bất ổn sau khi các phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9-2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.

Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống lại nhóm phiến quân Houthi từ tháng 3-2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7-2015. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người và khiến khoảng 2,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ tháng 3-2015. Hơn 80% dân số nước này hiện đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>