Tiến trình hòa bình của Afghanistan khó thành hiện thực

24/02/2016 | 19:13 GMT+7

Vòng 4, cuộc đàm phán 4 bên (gồm Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc và Mỹ) về tiến trình hòa bình của Afghanistan và chuẩn bị lộ trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Nam Á này đã diễn ra tại thủ đô Kabul. Vòng đàm phán này được kỳ vọng có thể ấn định thời điểm tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên với Taliban kể từ khi vòng đàm phán diễn ra hồi năm ngoái đổ vỡ.

Phái đoàn Pakistan trong buổi họp tại Kabul, ngày 23-2. Ảnh: Reuters

Nhóm 4 bên (gồm: Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc và Mỹ), được thành lập vào tháng 12-2015 đến nay đã tổ chức 4 vòng đối thoại về vấn đề chính trị ở Afghanistan nhưng vẫn chưa thu được kết quả. Hai vòng đối thoại đầu tiên diễn ra lần lượt tại thủ đô Islamabad của Pakistan vào ngày 11-1 và thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 18-1 vừa qua. Vòng 3 của cuộc đàm phán 4 bên đã được tổ chức tại Islamabad (thủ đô Pakistan) hôm 6-2, trong đó kêu gọi Taliban tham gia tiến trình hòa bình này và vòng đàm phán thứ 4 được cho là đã lên kế hoạch để thông báo về lộ trình đưa Taliban vào bàn đàm phán với Chính phủ Afghanistan để tìm ra cách giải quyết cuộc khủng hoảng cho Afghanistan.

Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Salahuddin Rabbani cho biết: “Afghanistan sẽ không tiếc công sức theo đuổi hòa bình bền vững và chính đáng cho đất nước”. Ông cũng bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán 4 bên này có thể giúp tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán trực tiếp với các đại diện được Taliban và Chính phủ Afghanistan ủy quyền dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 này. Tiến trình đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu hồi năm ngoái và bị cắt đứt hồi tháng 7-2015 sau khi Taliban chính thức thông báo thủ lĩnh Omar đã chết. Tháng vừa rồi, Taliban đã đưa ra hàng loạt điều kiện để tham gia đàm phán như: Đưa Taliban khỏi danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc, chính thức công nhận đại diện chính trị của Taliban, trả tự do cho tù nhân Taliban, lực lượng nước ngoài phải rút quân khỏi quốc gia này…

Tình hình an ninh tại Afghanistan thật sự rối ren kể từ cuối năm 2014 khi lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại đây và chỉ duy trì một lực lượng gồm khoảng 13.000 binh sĩ để hỗ trợ đào tạo lực lượng quân đội Afghanistan. Kể từ đó, lực lượng nổi dậy Taliban đã liên tục giao tranh với quân chính phủ gây ra rất nhiều thương vong, trong đó, phần lớn là dân thường. Theo công bố mới đây của Liên Hiệp Quốc, năm 2015, tổng số người thương vong tại quốc gia Nam Á này là 11.002 người, trong đó 3.545 người thiệt mạng, tăng 4% so với năm trước đó. Trong đó, tỷ lệ nạn nhân trẻ em chiếm tới 25%, tăng 14% so với năm 2014. Trong khi đó, nạn nhân là nữ giới tăng lên tới 37%. Đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Afghanistan, ông Nicholas Haysom, con số thương vong. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên liên quan tại Afghanistan chấm dứt các hành động bạo lực, bảo vệ dân thường và kiến tạo hòa bình.

Trong một động thái liên quan, trong khi vòng đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Afghanistan đang diễn ra thì mới đây, phiến quân Taliban lại tấn công đẫm máu nhằm vào một sở chỉ huy cảnh sát tại tỉnh Parwan, miền Bắc Afghanistan, làm 4 cảnh sát thiệt mạng và 19 người bị thương, trong đó có 17 dân thường. Hành động này càng làm gia tăng căng thẳng giữa chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban.

Giới quan sát cho rằng bất đồng giữa Chính phủ Afghanistan với phiến quân Taliban vẫn chưa thể giải quyết thì cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình ở quốc gia này khó đạt được kết quả như mong muốn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>