Thượng viện Anh phản đối dự luật Brexit

10/03/2017 | 06:42 GMT+7

Lần thứ hai liên tiếp trong vòng 1 tuần, Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May vấp phải sự phản đối tại Thượng viện về các nội dung trình lên trong dự luật Brexit. Điều này đồng nghĩa với việc dự luật Brexit dự kiến thông qua ngày 13-3 sẽ bị chậm lại so với kế hoạch.

Ảnh minh họa. Nguồn: AL JAZEERA

Theo đó, đa số thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu tán thành với đề nghị: Chính phủ cần bổ sung một số điều khoản quan trọng vào dự luật, cho phép Quốc hội Anh có quyền được xem xét và bác bỏ bản thỏa thuận đàm phán cuối cùng, nếu các nhà lập pháp cho rằng những điều khoản đạt được với châu Âu chưa thỏa đáng và không đáp ứng được lợi ích của nước Anh. Ngoài ra, Thượng viện Anh còn yêu cầu đưa vào dự luật ban đầu điều khoản nhằm đảm bảo cho hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh vẫn được hưởng các quyền lợi cư trú không thay đổi sau khi Anh chính thức rời EU. Điều khoản này đồng nghĩa là Quốc hội Anh có quyền yêu cầu Thủ tướng May quay trở lại bàn đàm phán nếu không hài lòng với những thỏa thuận bà đạt được với EU. Những điều khoản của Thượng viện Anh đã làm giảm quyền hạn của Chính phủ khi trao đổi, thỏa thuận với EU khi Brexit. Chính sự phản đối này nên buộc Chính phủ Anh phải quay trở lại Hạ viện để xem xét, tranh luận vào đầu tuần tới để thông qua dự luật kích hoạt Brexit.

Giới quan sát nhận định, phản đối của Thượng viện Anh đối với dự luật của Chính phủ Thủ tướng May sẽ khiến tiến trình thông qua dự luật Brexit bị chậm lại so với kế hoạch (ngày 13-3). Như vậy, hiện nay Anh chỉ được phép lựa chọn một trong hai giải pháp sau: Một là, bỏ phiếu chấp thuận thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May sau khi điều chỉnh một số điều khoản trong dự luật, hoặc là Brexit mà không có thỏa thuận nào với EU và hai bên sẽ làm việc với nhau dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, điều mà Thủ tướng Theresa May lo ngại nhất là dự luật sửa đổi có thể sẽ vấp phải sự phản đối của những thành viên trong nội bộ Đảng cầm quyền.

Thực tế, kế hoạch Brexit đã và đang gặp nhiều khó khăn không chỉ ở Thượng viện mà kể cả người dân Anh cũng chưa đồng thuận. Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng nghiên cứu - tư vấn BMG công bố mới đây, đa số người dân Anh, kể cả những cử tri vốn trung thành với Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng không đồng ý với khả năng rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào hay còn gọi là “Brexit cứng”. Họ cho rằng nước Anh thà ở lại EU hoặc nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận mới, nếu Quốc hội phủ quyết hoàn toàn những gì mà bà May đạt được với lãnh đạo EU. Mặt khác, khi được hỏi về bước đi tiếp theo nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận của bà May, chỉ có 25% số người tham gia cuộc thăm dò cho rằng nước Anh nên rời EU mà không cần biết đến tương lai mối quan hệ giữa hai bên và sử dụng luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để buôn bán với châu Âu.

Trong khi đó, các nước EU liên tục hối thúc Anh xúc tiến thực hiện tiến trình Brexit. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng việc 27 nước thành viên còn lại của EU gắn bó chặt chẽ với nhau là hết sức cần thiết trong các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU. Ông cũng thừa nhận rằng các cuộc đàm phán Brexit sẽ khó khăn và phức tạp. Theo ông Schaeuble, khi hoàn tất các cuộc thương lượng này, điều quan trọng là làm cho các nước khác nhận thấy rõ rằng ở lại EU có nhiều lợi thế hơn là rời khỏi liên minh này. Ông Schaeuble cũng khẳng định, Đức để ngỏ những hình thức hợp tác mới với Anh khi Brexit.

Mặc dù Chính phủ Anh và các nước thành viên EU rất nỗ lực để xúc tiến Brexit nhưng xem ra tiến trình này còn vấp phải nhiều trở ngại từ phía Anh. Giới quan sát cho rằng, kế hoạch Brexit vào năm 2019 khó thành hiện thực khi nội bộ Anh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>