Thực thi Hiệp ước Sen-ghen ?

11/01/2016 | 08:15 GMT+7

Trong năm 2015, nhiều vụ khủng bố đã xảy ra ở các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và làn sóng người nhập cư tràn vào châu Âu đã đe dọa đến sự ổn định và phát triển của các quốc gia ở châu lục này. Trước tình hình đó, một số nước đã “xé rào” trong việc thực thi các quy định của Hiệp ước Sen-ghen (Schengen) về miễn thị thực đi lại giữa các thành viên.

Người di cư. Nguồn: AP

Hiệp ước Schengen được ký năm 1985 tại Luxembourg, cho phép các nước thành viên miễn thị thực đi lại với nhau, nhằm tạo thành một thị trường du lịch thống nhất, giúp các nước chia sẻ nguồn khách du lịch. Hiện Hiệp ước Schengen có 26 thành viên, trong đó có 4 thành viên ngoài Liên minh châu Âu (EU), còn lại là 22 thành viên thuộc Liên minh châu ÂU (EU).

Trong năm 2015, vụ tay súng người Morocco  A. Khadani tiến hành khủng bố trên chuyến tàu cao tốc Thalys nối liền Amsterdam và Paris đã làm lộ ra những điểm yếu về an ninh trong hệ thống giao thông đường sắt tại châu Âu. Chỉ một tuần sau, Bộ trưởng An ninh và Giao thông của các nước: Pháp, Đức, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Thụy Sĩ đã nhóm họp khẩn cấp nhằm tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt là an ninh trên các tuyến đường sắt. Tuy nhiên, Hiệp ước Schengen cho phép tự do đi lại giữa 26 nước thuộc châu Âu cũng sẽ tạo điều kiện cho tội phạm mang theo vũ khí di chuyển khắp các quốc gia này, điều đó rất khó đảm bảo an ninh trên các tuyến đường sắt. Hiện tại, 26 quốc gia tham gia Hiệp ước Schengen đã xóa bỏ các đường biên giới hiện hữu. Việc để ngỏ biên giới cho phép người dân di chuyển tự do trong các nước ký kết Hiệp ước Schengen từ lâu luôn là niềm tự hào và cũng là nguyên tắc trụ cột của Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, sau vụ xả súng trên tàu Thalys, vấn đề sửa đổi Hiệp ước Schengen đang được giới chức Liên minh châu Âu (EU) đề cập nhiều hơn bao giờ hết. Bộ trưởng Nội vụ Đức Mây-di-ê người luôn ủng hộ sửa đổi Hiệp ước Schengen, thừa nhận châu Âu không thể triển khai một hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt toàn bộ hành lý trên các chuyến tàu của khu vực này. Thủ tướng Bỉ Michel cũng nêu rõ, các quy định của Hiệp ước Schengen sẽ được xem xét lại nếu cảnh sát không thể đảm bảo an ninh cho du khách.

Theo các nhà nghiên cứu, Bỉ, Anh, Đức, Hà Lan và Pháp là những quốc gia có nguy cơ bị khủng bố cao nhất. Trong các quốc gia này thì Anh và Pháp là những nước có nhiều đối tượng tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Đáng lo ngại là khi quay về nước, các phần tử này có thể tự do đi lại trong các nước tham gia Hiệp ước Schengen và gieo rắc mối nguy hiểm cho những nước đó.

Đầu năm 2016, trước làn sóng người di cư ào ạt tràn vào châu Âu trong năm 2015, Đan Mạch và Thụy Điển đã dựng các trạm kiểm soát người qua lại biên giới với Đức. Thụy Điển cũng áp đặt các biện pháp hạn chế người nhập cư, yêu cầu những du khách đến từ Đan Mạch phải trình thẻ căn cước có dán ảnh. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua người dân qua lại giữa hai nước phải trình giấy. Thụy Điển là quốc gia có khoảng 9,8 triệu dân nhưng đã tiếp nhận số người tị nạn tính theo tỷ lệ dân số nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác. Trong năm 2015 vừa qua, quốc gia này đã tiếp nhận khoảng 190.000 người tị nạn. Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nêu rõ: “Việc các nước Bắc Âu khác quyết định đóng cửa biên giới có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Đan Mạch. Điều này có thể làm gia tăng số người tìm kiếm tị nạn”. Cơ quan chức năng Phần Lan cũng yêu cầu tất cả hành khách trên các tuyến phà hoạt động giữa Phần Lan và Đức phải kiểm tra thị thực khi hành khách lên phà ở miền Bắc nước Đức. Các tuyến phà giữa miền Bắc nước Đức và các cảng miền Nam Phần Lan đã trở thành một uyến đường phổ biến đối với những người tị nạn có thể mua vé đi phà. Việc đi phà trước đây chỉ yêu cầu hành khách xuất trình thể căn cước thay vì thị thực, điều này giúp người tị nạn dễ dàng xâm nhập vào châu Âu.

Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozoup) Dijsselbloem khi trả lời Thời báo Thương mại Đức đã cảnh báo, Hiệp ước Schengen có nguy cơ đổ vỡ nếu không khống chế được cuộc khủng hoảng di cư đang tạo ra quá nhiều rủi ro cho lục địa này. Ông cho rằng, châu Âu không thể duy trì hệ thống nhà nước xã hội lâu dài nếu làn sóng người di cư và tị nạn tiếp tục đổ vào châu Âu ở mức cao như hiện nay.

Có thể thấy rằng, nguyên nhân sâu xa của việc một số nước châu Âu đang “xé rào” đối với các quy định của Hiệp ước Schengen là do cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa có giải pháp căn bản, hữu hiệu ngăn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Một số quốc gia buộc phải đưa ra các giải pháp kiểm soát để đảm bảo lợi ích quốc gia và sự ổn định xã hội. Thực tế người nhập cư đã tạo nhiều gánh nặng lên nền kinh tế của các nước, phúc lợi xã hội bị giảm do phải dành một phần ngân sách cho những người tị nạn, cơ hội việc làm cho người lao động bản địa bị thu hẹp. Về an ninh, việc tiếp nhận số lượng người tị nạn sẽ gây làn sóng phản đối trong nước, gia tăng tư tưởng bài ngoại và tạo ra nguy cơ xung đột trong xã hội. Mặt khác, khi tiếp nhận người tị nạn cũng làm gia tăng nguy cơ khủng bố khi không ít phần tử Hồi giáo cực đoan trà trộn vào dòng người tị nạn để xâm nhập vào các nước châu Âu.

Do khủng bố, dòng người tị nạn mà một số quốc gia châu Âu đành phải “xé rào” trong việc thực thi Hiệp ước Schengen nhằm bảo vệ lợi ích cho nước mình. Nếu chưa ngăn chặn được dòng người tị nạn đổ vào châu Âu, thì việc thực thi Hiệp ước Schengen sẽ gặp nhiều khó khăn…

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>