Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đi về đâu ?

08/06/2023 | 09:35 GMT+7

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen giữa Nga - Liên Hiệp Quốc đã gặp khó khăn khi trong 2 tháng qua các tàu chở hàng từ Ukraine đi bằng con đường này bị giảm đáng kể.

Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển qua Eo biển Bosphorus trên Biển Đen ngày 2-11-2022. Ảnh: AFP    

Theo đó, trong tháng 5, chỉ có 33 tàu rời các cảng của Ukraine, giảm 50% so với tháng 4, và chỉ có 3 tàu trong số này xuất phát từ cảng Pivdennyi ở Odesa, một trong ba cảng ở Ukraine nằm trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Nga và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đạt được thỏa thuận. Hiện có 50 tàu đang neo đậu trong lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ để chờ kiểm tra. Các tàu này đã sẵn sàng vận chuyển 2,4 triệu tấn lương thực từ Ukraine ra nước ngoài, nhưng một số tàu phải chờ kiểm tra trong hơn 3 tháng.

Trước đó, LHQ đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ lạm phát lương thực khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chậm lại. Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric, việc triển khai các tàu chở ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen liên tục bị chậm, nhất là trong 2 tháng 4 và 5 vừa qua.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các tàu vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen chậm là do áp đặt hạn chế từ phía Nga. Gần đây, Matxcơva đã hạn chế các tàu đăng ký đến cảng Pivdennyi, thuộc tỉnh Odesa của Ukraine, cho đến khi tất cả các bên đồng ý dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động vận chuyển khí ammoniac của Nga qua đường Ukraine. Bộ Cải tạo và Cơ sở hạ tầng Ukraine, cho biết thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, do LHQ làm trung gian, một lần nữa đã bị tạm dừng vì Nga hạn chế hoạt động đăng ký đối với tàu đến các cảng của Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho biết, vòng tham vấn tiếp theo về Bản ghi nhớ Nga - LHQ trong khuôn khổ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9-6 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky khẳng định, nước này sẽ sẵn sàng tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen như một phần của “kế hoạch B” mà không có sự ủng hộ của Nga nếu Matxcơva rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc hiện tại và nó sụp đổ.

Tháng 7-2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra. Bởi lẽ, Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới nếu bị tắc nghẽn nguồn cung này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực thế giới ngoài mong đợi.

Theo thỏa thuận giữa Nga và LHQ trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là các tàu vận chuyển lương thực của Ukraine được phép đi qua Biển Đen. Ngược lại, các quốc gia liên quan sẽ tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.

Trong một động thái liên quan, ngày 13-3 vừa qua, Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận này thêm 60 ngày, song cảnh báo sẽ chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nếu không đạt được một thỏa thuận khác nhằm khắc phục các rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này. Các yêu cầu mà Matxcơva đưa ra bao gồm việc nối lại vận chuyển amoniac từ Nga qua lãnh thổ Ukraine đến cảng Pivdennyi ở Odessa, nơi xuất khẩu mặt hàng này. Quá trình vận chuyển khí amoniac, một thành phần quan trọng của các loại phân bón nitơ, đã bị tạm dừng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Mới đây, hãng tin Anh Reuters cho biết rằng Ukraine sẽ cân nhắc cho phép amoniac của Nga được quá cảnh lãnh thổ của Ukraine để xuất khẩu, với điều kiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được mở rộng, bao gồm nhiều cảng của Ukraine hơn và nhiều loại hàng hóa hơn.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hiện là vấn đề “nóng” không chỉ đối với Nga, Ukraine mà còn là vấn đề quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Do vậy cả LHQ và các quốc gia liên quan rất kỳ vọng ở vòng tham vấn giữa LHQ và Nga trong những ngày tới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>