Thỏa thuận lịch sử bảo vệ Bắc Cực

04/12/2017 | 07:23 GMT+7

Chín quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) hôm 1-12 đạt được thỏa thuận không đánh bắt thương mại tại vùng biển trung tâm Bắc Băng Dương (CAO) trong ít nhất 16 năm nữa.

Vùng biển trung tâm Bắc Băng Dương sẽ được bảo vệ trong ít nhất 16 năm nữa. Ảnh: BBC

Với diện tích được bảo vệ lên tới 2,8 triệu km2 - xấp xỉ diện tích Địa Trung Hải - tại vùng biển quốc tế ở Bắc Cực, thỏa thuận này sẽ cho các nhà khoa học thời gian nghiên cứu hệ sinh thái biển của khu vực và những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu trước khi hoạt động đánh bắt mở rộng. Đạt được sau 6 cuộc họp kéo dài hơn 2 năm, thỏa thuận không chỉ bao gồm các nước có tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực (Canada, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Nga và Mỹ) mà còn có các nước để mắt đến việc đánh bắt ở đây (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Thỏa thuận trên được hình thành trong bối cảnh, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Bắc Cực đang ấm dần lên với mức nhiệt tăng cao gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, khiến trữ lượng cá và mật độ phân bổ cá biến động mạnh, có thể tạo ra nguồn tài nguyên biển dồi dào cho các ngư dân trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, các bên tham gia thỏa thuận muốn nghiên cứu kỹ hơn trước khi triển khai đánh bắt vì mục đích thương mại để tránh những hậu quả khó lường đối với hệ sinh thái khu vực.

Theo tạp chí Science, băng dày và tình trạng mù mờ về nguồn cá đã giữ chân các đội thuyền đánh bắt tránh xa CAO cho tới nay. Tuy nhiên, băng tan ngày càng nhiều trong các mùa hè gần đây khiến 40% CAO hiện đã có thể tiếp cận, chủ yếu ở các vùng biển phía Bắc bang Alaska của Mỹ và biển Chukchi của Nga. Theo luật pháp quốc tế, đánh cá ở những vùng biển này không phạm pháp nhưng nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức bảo vệ môi trường và giới hoạch định chính sách lo ngại nếu không có quy định, hệ sinh thái biển tại đây sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.

Một trong những nguy cơ lớn nhất đó là Trái Đất đang nóng lên khiến băng khắp nơi tan chảy, đặc biệt tại hòn đảo băng giá Greenland nằm gần Bắc Cực. Chỉ trong 4 năm (từ 2012 đến 2016), thế giới mất lượng băng kỷ lục hơn 1.100 tỉ tấn. Theo các nhà khoa học, với tốc độ băng tan ngày một nhanh và mạnh hơn trong thời gian qua, chỉ vài trăm năm nữa, băng tại Greenland sẽ tan hết khiến mực nước biển sẽ dâng cao 7m, nhiều thành phố dọc bờ biển như Miami, Thượng Hải, New York hay Mumbai có nguy cơ bị xóa sổ. Theo các nhà khoa học, với tốc độ băng tan ngày một nhanh và mạnh hơn như hiện nay, chỉ hơn 100 năm nữa, nhiều thành phố ven biển trên toàn thế giới sẽ bị ngập nước hoàn toàn và mọi thứ sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

Bộ trưởng Ngư nghiệp Canada Dominic Leblanc cho biết quốc gia này cùng với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Đan Mạch, Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Nga và Mỹ đã nhất trí không tiến hành các hoạt động đánh bắt cá vì mục đích thương mại tại các vùng biển ngoài khơi trung tâm vùng biển Bắc Cực, tạo điều kiện nghiên cứu kỹ hơn về hệ sinh thái của khu vực.

Các bên cũng nhất trí trước khi triển khai hoạt động đánh bắt, mỗi thành viên đều phải xây dựng gói biện pháp bảo tồn và quản lý phù hợp.  Ngoài ra, mỗi thành viên phải tôn trọng cam kết thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và giám sát chung nhằm tìm hiểu kỹ hơn về hệ sinh thái đại dương Bắc Cực, xem khu vực này có phù hợp để khai thác hải sản vì mục đích thương mại trong tương lai hay không.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề môi trường, ngư nghiệp và hàng hải Karmenu Vella gọi thỏa thuận mang tính ràng buộc này là “dấu mốc lịch sử”, lấp đầy lỗ hổng trong hoạt động quản lý đại dương toàn cầu, bảo vệ hệ sinh thái biển “dễ tổn thương” cho thế hệ sau.

Về cơ bản, thỏa thuận này cần được toàn bộ 10 bên tham gia phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>