Thỏa thuận CETA gặp trở ngại

24/10/2016 | 07:47 GMT+7

Số phận của Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA) đang ngày càng trở nên mờ mịt. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn về uy tín và tương lai các chính sách thương mại của EU, trong đó có cả số phận của Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland đã nỗ lực thuyết phục chính quyền vùng Wallonia nhưng không đạt được kết quả. Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận tự do thương mại của EU với Canada đã chết yểu hôm 21-10 khi Bộ trưởng Thương mại Canada chấm dứt đàm phán và tuyên bố rằng EU “không có khả năng” quản lý các thỏa thuận quốc tế. Các nhà đàm phán đã mất 7 năm để thảo ra Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA) và mong muốn EU và Canada cùng ký kết trong tháng này. Thế nhưng ông Paul Magnette, lãnh đạo vùng Wallonia của Bỉ, lại không đồng tình với thỏa thuận này.

Do đó, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland đã chính thức rút khỏi đàm phán sau khi những nỗ lực cuối cùng để ông Magnette đổi ý định đã thất bại. “Canada đã nỗ lực và cá nhân tôi cũng đã rất cố gắng, nhưng điều hiển nhiên đối với tôi, đối với Canada là Liên minh châu Âu giờ đây không có khả năng đạt được một thỏa thuận quốc tế, thậm chí là với một quốc gia dễ chịu và kiên nhẫn như Canada”, bà Freeland nói.

Hiện trạng của thỏa thuận CETA có thể hiểu gọn là vùng Wallonie của Bỉ khước từ những nhượng bộ từ phía EU và phản đối việc thông qua CETA. Trong khi đó, Rumani và Bulgari vẫn dè dặt trong việc ký kết, dù cả hai quốc gia này không có ý định cản trở thỏa thuận CETA. Wallonie chỉ là một vùng nhỏ nói tiếng Pháp của Bỉ với diện tích chỉ ngang bang Connecticut của Mỹ, thế những lại đang đe dọa một thỏa thuận tự do giữa khối EU và Canada. Đó là bởi để có hiệu lực, thỏa thuận này cần sự phê chuẩn của tất cả 28 nghị viện các nước thành viên và 10 nghị viện vùng. Chỉ 1 nghị viện không tán thành, CETA sẽ không được thực thi.

Vậy tại sao một thỏa thuận kinh tế được dự báo giúp kim ngạch thương mại hai chiều tăng thêm 20% và tạo ra 80.000 việc làm mới lại gặp trở ngại như vậy, và liệu điều này có tạo ra tiền lệ xấu cản trở EU ký kết các hiệp định thương mại lớn khác. Đây là nội dung được nhiều tờ báo quốc tế quan tâm. Tờ Economist cho biết, nhiều nước lo ngại việc thông qua CETA sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn về môi trường và luật lao động. Riêng đối với vùng Wallonie, chính quyền ở đây lo ngại việc thông qua CETA sẽ xóa bỏ 99% thuế quan giữa Canada và EU, khiến họ không cạnh tranh được với các sản phẩm giá rẻ từ Canada.

Nếu CETA không được thông qua, thiệt hại đầu tiên có thể thấy ngay là về kinh tế. Bởi theo ước tính của tờ Nhật báo Phố Wall, CETA có thể thúc đẩy sản lượng kinh tế của EU tới 5,8 tỉ euro mỗi năm. Tờ Điện tín của Anh trích lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo, EU có thể sẽ không bao giờ có thể ký kết 1 thỏa thuận thương mại tự do nào nữa nếu CETA không được thông qua.

Hiện những lãnh đạo của châu Âu đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận CETA trong thế bi quan. Ngay sau một ngày Canada tuyên bố rút khỏi đàm phán, ngày 22-10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) với hy vọng tìm ra hướng cứu vãn Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA), đang có nguy cơ bị đổ vỡ khi Bỉ không thể thông qua văn kiện trên do sự phản đối của một vùng thuộc Bỉ. Trên trang mạng xã hội Twitter, Chủ tịch EP Schulz cho biết, ông cũng sẽ gặp Thủ hiến vùng Wallonia của Bỉ Paul Magnette nhằm khai thông bế tắc liên quan tới CETA.

Bộ trưởng Thương mại Canada Freeland cho biết “quả bóng đang ở bên sân của EU”, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể tìm được một giải pháp cho vấn đề trên. Hy vọng vẫn là hy vọng, còn kết quả cụ thể chắc  phải chờ đợi trong những ngày tới.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>