Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng tấn công PKK

09/11/2016 | 08:00 GMT+7

Cùng với việc gia tăng tấn công Đảng Công nhân người Kurd (PKK), Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt giữ nhiều đối tượng liên quan bị cộng đồng quốc tế lên án.

Các tay súng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ảnh: PRESSTV

Những ngày gần đây, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của trực thăng đã mở chiến dịch bố ráp lực lượng PKK đi kèm với bắt bớ những người liên quan. Chiến dịch đẫm máu này diễn ra trong bối cảnh đụng độ giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng PKK tại khu vực Đông Nam đang leo thang, sau khi thỏa thuận ngừng bắn 2 năm rưỡi bị đổ vỡ hồi tháng 7 năm ngoái. Theo đó, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch truy quét nhiều mục tiêu của PKK trên lãnh thổ nước này và khu vực miền Bắc Iraq, đặc biệt là các vùng rừng núi. Đáp lại, lực lượng PKK đã liên tiếp tiến hành các vụ đánh bom chủ yếu nhằm vào binh lính và lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây nhất, PKK đã đánh bom xe bên ngoài một trung tâm cảnh sát tại thành phố Diyarbakir, làm 11 người thiệt mạng và ít nhất 100 người bị thương.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây đã cáo buộc châu Âu tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố bằng việc hỗ trợ cho PKK, đồng thời khẳng định ông không quan tâm nếu châu Âu gọi ông là một kẻ độc tài do đã trấn áp nhóm phiến quân người Kurd và những người ủng hộ nhóm này. Ông Erdogan khẳng định: “Tất cả các loại vũ khí mà chúng tôi thu được từ PKK đều là của phương Tây. Tất nhiên, họ nói rằng họ chuyển vũ khí cho lực lượng liên minh và có thể PKK đã chiếm được số vũ khí này. Nhưng thực chất thì các nước phương Tây đã trực tiếp gửi vũ khí cho Đảng Công nhân người Kurd”. Chính điều này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới tới nay. Gần đây, Ankara đã bắt giữ lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd - đảng đối lập lớn thứ 2 ở nước này gây xôn xao dư luận. Trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 11 nghị sĩ thuộc HDP thân người Kurd. Như vậy, đến nay đã có 50 trên tổng số 59 nghị sĩ của Đảng Dân chủ Nhân dân bị tước quyền bất khả xâm phạm.

Từ những diễn biến trên, dư luận quốc tế đã chỉ trích mạnh mẽ đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng đối ngoại khi gây ra sự rạn nứt với hàng loạt đối tác quan trọng vì vấn đề nội bộ. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ những quan ngại của Mỹ về việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd. Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc đã đồng loạt lên tiếng phản đối cuộc “thanh trừng” chính trị nội bộ đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo người phát ngôn Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani, các biện pháp mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đã “vượt qua giới hạn các quy định của luật quốc tế”, trong đó có Hiệp ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR). Người phát ngôn Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần đảm bảo sự minh bạch và cam kết rằng các biện pháp mà Ankara đang tiến hành là phù hợp với khuôn khổ của luật pháp. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini cũng bày tỏ quan ngại về vụ việc này, đồng thời bày tỏ hy vọng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng thể chế dân chủ nghị viện.

Giới quan sát nhận định, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch “thanh trừng” nội bộ vi phạm nhân quyền thì Ankara sẽ gánh chịu hậu quả khó lường trong tương lai.

Ước tính, xung đột giữa quân đội Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK kéo dài hơn 30 năm qua đã làm hơn 40.000 người thiệt mạng. Kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đã chính thức bắt giữ hơn 37.000 đối tượng tình nghi liên quan và sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 100.000 người thuộc quân đội, cảnh sát, ngành tư pháp, công chức nhà nước với cáo buộc có liên hệ với phe đối lập.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>