Thêm tín hiệu hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

08/02/2018 | 08:44 GMT+7

Theo kế hoạch, từ ngày 9 đến 11-2, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên, ông Kim Yong-nam dẫn đầu phái đoàn cấp cao nước này sẽ gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhân chuyến tới Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018. Động thái này sẽ mở ra cơ hội xúc tiến hòa đàm giữa hai miền Triều Tiên trong tương lai gần.

Làng vận động viên Olympic PyeongChang. Nguồn: YONHAP

Theo đó, Seoul mong muốn phái đoàn Triều Tiên sẽ bao gồm các quan chức cấp cao nhất để biến kỳ Thế vận hội lần này trở thành sự kiện giúp khôi phục mối quan hệ liên Triều vừa là động lực thúc đẩy tiến trình hòa bình và là tiền đề cho đối thoại Mỹ - Triều Tiên. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phía Bình Nhưỡng thông báo ông Kim Yong-nam sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao Triều Tiên gồm 22 người đến thăm Hàn Quốc từ ngày 9 đến 11-2. Sự kiện này là động thái nối tiếp việc Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí về việc Bình Nhưỡng cử đoàn vận động viên tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018 diễn ra từ ngày 9 đến 25-2. Đây được coi là một động thái nhằm làm “tan băng” trong mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng đã chấp thuận việc Triều Tiên tham gia sự kiện thể thao toàn cầu này. Theo đó, ngoài 22 vận động viên IOC còn cho phép 24 quan chức của Triều Tiên tham gia sự kiện thể thao toàn cầu nói trên. Trước đó, một trợ lý thân cận giấu tên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Bình Nhưỡng có thể thông báo danh sách phái đoàn tham dự Thế vận hội trong vòng vài ngày tới.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Phó Tổng thống nước này Mike Pence và các quan chức khác của Mỹ có thể gặp giới chức Triều Tiên vào tuần tới, tại Hàn Quốc, nhân dịp tham dự Olympic PyeongChang 2018. Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Mỹ tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông và các sự kiện liên quan tại PyeongChang. Ông Tillerson cho rằng, đây sẽ là cơ hội cho bất kỳ cuộc gặp nào giữa Washington với Bình Nhưỡng. Mặc dù, trước đó Washington từng tuyên bố sẽ không tìm cách khởi động các cuộc tiếp xúc với phía Triều Tiên tham dự Olympic PyeongChang. Tuy nhiên, Mỹ muốn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm thuyết phục nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Thực tế, thời gian gần đây chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực hết sức nhằm “gây sức ép tối đa” đối với chế độ Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo có tầm bắn vươn tới Mỹ. Trong đó có việc gây sức ép với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, những nghị quyết trên tỏ ra không hiệu quả mà khiến Triều Tiên càng quyết tâm hơn theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Mặt khác, Washington cũng xúc tiến một cuộc chiến tranh với Bình Nhưỡng trong đó không loại trừ vũ khí hạt nhân. Từ đó gây ra nhiều tranh luận và phản ứng của nhiều quốc gia liên quan.

Việc Hàn Quốc chủ động hạ nhiệt và xích lại gần với Triều Tiên nhằm tiến tới cuộc hòa đàm giữa hai miền đã tạo được sự đồng thuận của cả Bình Nhưỡng và dư luận quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là sự kiện thể thao, Thế vận hội Pyeongchang 2018, đây được xem là cầu nối giúp truyền tải những thông điệp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì hòa bình ở bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>