Thế giới tiếp tục phản ứng Trung Quốc gia tăng hoạt động ở Biển Đông

31/03/2017 | 08:12 GMT+7

Tăng ngân sách quốc phòng, trang bị thêm nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại và tiếp tục lấn chiếm Biển Đông là những hành động đầy tham vọng đã và đang diễn ra của Trung Quốc.

Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong năm 2017, ngân sách dành cho quân đội Trung Quốc sẽ tăng khoảng 7%, chiếm khoảng 1,3% GDP nước này khiến các chuyên gia lo lắng. Theo Sputnik, Bắc Kinh sẽ tăng chi quân sự nhằm tiếp tục chương trình hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội của nước này.

Mặc dù Trung Quốc biện minh là trong 6 năm qua, ngân sách quốc phòng nước này sụt giảm theo thời gian, tuy nhiên thực tế thì ngân sách chi cho quân đội còn rất cao. Năm 2016, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đạt gần 146 tỉ USD, tương đương tăng 7,6%. Năm 2015, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 10,1% so với năm trước, trong khi con số tăng của năm 2013 là 12,2%, của năm 2012 là 11,2% và năm 2011 là 12,7%. Nhiều sĩ quan quân đội nước này, kêu gọi Quốc hội Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 12% trước những thông tin gói ngân sách đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng chi quân đội và an ninh 54 tỉ USD, tương đương 10% GDP của nước này.

Xét trên bình diện chung, tỷ lệ chi ngân sách cho quốc phòng chiếm khoảng 1,3% GDP của Trung Quốc hiện ít hơn so với một số quốc gia. Cụ thể, ngân sách quân đội Nga chiếm khoảng 4,5% GDP nước này và dự kiến sẽ giảm về mức 3% GDP. Mỹ chi trên 3% GDP cho quốc phòng. Trong NATO, mục tiêu chi quốc phòng là 2% GDP. Nhưng thực tế GDP của Trung Quốc khá lớn nên dù tỷ lệ nhỏ vẫn nhiều hơn các quốc gia khác.

Tuy nhiên, so sánh tương quan lực lượng và năng lực của quân đội Trung Quốc hiện còn yếu so với nhiều quốc gia. Lực lượng vũ trang Nga có 15.000 xe tăng so với con số 9.000 của Trung Quốc, 31.000 xe bọc thép so với 4.700 của Trung Quốc và gần 6.000 pháo tự hành so với 1.700 của Trung Quốc.

Trung Quốc đang tụt lại phía sau Mỹ và Nga về các lực lượng hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, tất cả thông tin về quân sự của Trung Quốc là tuyệt mật nên những thứ mà quốc tế biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều này được minh chứng bằng việc thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục vươn ra Biển Đông bằng việc bồi đắp các đảo ngầm xây dựng trái phép sân bay, căn cứ quân sự… vi phạm chủ quyền lãnh hải của các quốc gia trong vùng, với mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Mới đây, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington, Mỹ cho biết, các công trình Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm các cơ sở hải quân, không quân, radar và hệ thống phòng thủ đã cơ bản hoàn thành. AMTI cho biết, 3 căn cứ không quân của Trung Quốc ở Trường Sa và trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa sẽ cung cấp cơ sở cho phép máy bay quân sự nước này kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông, một trong những tuyến thương mại hàng hải quan trọng bậc nhất mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Theo Reuters, hơn 1 năm trước, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và có ít nhất một lần triển khai tên lửa hành trình chống hạm trên hòn đảo này. Bắc Kinh cũng cho xây dựng các nhà chứa máy bay, hệ thống phóng tên lửa di động trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Trong đó, những cơ sở trên Đá Chữ Thập có khả năng chứa được 24 máy bay chiến đấu và 3 máy bay cỡ lớn, bao gồm cả máy bay ném bom.

Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn ngang nhiên khẳng định hoạt động xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Nam Sa) là nhằm nâng cao khả năng cung cấp các loại hàng hóa phục vụ dân sinh, cũng như thực hiện tốt hơn nghĩa vụ quốc tế của nước này. Bà Hoa Xuân Oánh khăng khăng tuyên bố quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ từ trước đến nay của Trung Quốc. Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, “các thiết bị quốc phòng” đã được triển khai ở khu vực tuyến đường biển đang có tranh chấp, để duy trì “tự do hàng hải”.

Giới phân tích cho rằng, hành động của Trung Quốc cần được quốc tế quan tâm và có động thái thỏa đáng để kiềm chế. Trong đó phải kể đến ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… Những năm gần đây, Mỹ đã tiến hành một loạt hoạt động tuần tra ở Biển Đông mà theo Washington là để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này được các bên tôn trọng nhưng hoạt động này lại khiến Trung Quốc tức giận bởi nó giống như lời thách thức với yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Những quốc gia có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trong khối ASEAN cũng liên tục có những phản ứng lên án Bắc Kinh lấn chiếm trái phép chủ quyền lãnh hải. Nhật Bản cũng gia tăng quân sự để bảo vệ chủ quyền… Tuy nhiên xem ra vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>