Thế giới ra sao trong năm nay ?

24/01/2017 | 09:42 GMT+7

Qua nhận định của các chuyên gia, năm 2017, tình hình kinh tế, thương mại, an ninh thế giới có những điểm nào đáng chú ý ?

Dự báo an ninh chính trị ở Trung Đông còn nhiều bất ổn. Ảnh: CNN

Triển vọng về kinh tế

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu”, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế thế giới trong năm nay đạt mức tăng trưởng 3,4% và sẽ đạt 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10-2016. Theo nhận định trong những năm tới, các nền kinh tế phát triển lại có triển vọng tăng trưởng khả quan hơn, với nền kinh tế Nhật Bản đạt tăng trưởng 0,8% trong năm 2017, tăng 0,2% so với báo cáo trước đó và đạt 0,5% trong năm 2018. Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, cũng được nâng dự báo tăng trưởng lên lần lượt 2,3% và 2,5% trong năm nay và năm tới.

IMF cũng bày tỏ quan ngại về những bất ổn xuất phát từ sự điều chỉnh chính sách của chính quyền mới sắp tới tại Mỹ. Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu, IMF dự báo mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay và năm tới, tăng 0,1% so với dự báo trước.

Báo cáo của IMF cũng nhận định việc các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã khiến giá dầu phục hồi, qua đó tác động tích cực đến các nước xuất khẩu hàng hóa, trong đó có Nga.

Báo cáo đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil xuống còn 0,2% trong năm nay, trước khi tăng trở lại 1,5% trong năm tới. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một điểm sáng trong số các nền kinh tế mới nổi khi IMF đã điều chỉnh nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm 2017 lên 6,5%, tăng 0,3% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 10-2016, nhưng khoản nợ ngày càng lớn của cường quốc này làm gia tăng rủi ro về nguy cơ giảm tốc mạnh hơn của nền kinh tế.

Địa - chính trị còn nhiều bất ổn

Trong một bài viết trên tờ Time với tựa đề “These Are the Top 10 Risks to the World in 2017” (tạm dịch: “Đây là 10 rủi ro hàng đầu đối với thế giới trong năm 2017”), chuyên gia Ian Bremmer, Chủ tịch hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, đồng thời là giáo sư tại Đại học New York, cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không ngần ngại sử dụng quyền lực của Mỹ để thúc đẩy các lợi ích quốc gia mà không quan tâm đến ảnh hưởng sâu rộng từ chính sách của Washington tới phần còn lại của thế giới. Trong bối cảnh ấy, các đồng minh của Mỹ, đặc biệt tại châu Âu và châu Á, sẽ buộc phải tự thân vận động.

Trong khi đó, đối với châu Âu, có thể sẽ đối mặt với nguy cơ khoảng trống quyền lực trong năm 2017. Sự lãnh đạo mạnh mẽ của nữ Thủ tướng Đức  Angela Merkel đã chứng tỏ là không thể thiếu đối với khả năng xử lý khủng hoảng của châu Âu trong những năm qua. Tuy nhiên, “bà đầm thép” nước Đức - nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất được đánh giá có khả năng tái đắc cử trong năm nay, giờ đây phải đối mặt với hàng loạt các thách thức chính trị và kinh tế, trong đó phải kể đến sự bất mãn trong nước đối với chính sách người nhập cư, một loạt vụ bê bối liên quan đến những tập đoàn lớn của Đức như Deutsche Bank, hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trên khắp châu Âu.

Liệt kê những điểm nóng trên thế giới có nguy cơ bùng phát xung đột năm 2017,  tờ Foreign Policy mới đây nhận định, “chảo lửa” Trung Đông sẽ tiếp tục “bùng cháy”. Theo tờ báo này, cho dù nhận được cả sự hỗ trợ từ bên ngoài, lực lượng chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng không thể kết thúc cuộc xung đột và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước trong năm 2017, do có sự liên quan của nhiều bên, cả ở trong và ngoài nước, với những mục tiêu chiến lược khác nhau.

Một điều đáng lưu tâm đối với “chảo lửa” Trung Đông, theo giới phân tích, đó là việc IS suy yếu lại là cơ hội để tổ chức khủng bố al-Qaeda trỗi dậy. Trong bối cảnh thế giới đang dồn sự chú ý vào IS, al-Qaeda đã và đang âm thầm xây dựng lực lượng bám rễ và tổ chức này có thể hoạt động tích cực hơn tại Trung Đông trong năm nay.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>