Thái Lan siết chặt vận động trưng cầu dân ý của phe Áo Đỏ

23/06/2016 | 07:29 GMT+7

Theo kế hoạch, ngày 7-8 tới đây, Thái Lan sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý để đóng góp dự thảo Hiến pháp nước này, tuy nhiên cuộc trưng cầu này đang gặp khó khăn và có thể bị hủy bỏ vì những bất đồng của các phe đối lập.

Phe Áo Đỏ ở Thái Lan. Nguồn: SIGMALIVE.COM

Liên tục những tháng qua, Mặt trận thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD) - tức phe Áo Đỏ (Thái Lan) đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm vận động trưng cầu dân ý trên toàn quốc đóng góp cho dự thảo Hiến pháp mới, do chính quyền quân sự soạn thảo. Theo thủ lĩnh phe Áo Đỏ Jatuporn Prompan, UDD đã vận hành được 24 trung tâm giám sát tại 76 tỉnh, thành của Thái Lan nhằm vận động cử tri phản đối dự thảo Hiến pháp này. Ngoài ra, còn có 30 trung tâm bị ngăn không cho hoạt động và 24 trung tâm khác của phe này bị chính quyền quân sự đe dọa. Phe Áo Đỏ cho rằng, dự thảo Hiến pháp trên là phản dân chủ và kêu gọi bỏ phiếu chống đạo luật mới này. Trong khi đó, phe quân đội đang cầm quyền khẳng định bản Hiến pháp mới là liệu pháp giải quyết những mâu thuẫn chính trị gây chia rẽ Thái Lan từ 10 năm nay. Chính những bất đồng về quan điểm trên là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình chống đối Chính phủ Thái Lan gần đây làm cho nhiều chính trị gia của phe Áo Đỏ bị bắt giữ vì đã thể hiện quan điểm của họ về bản dự thảo Hiến pháp.

Sau cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014, chính quyền quân sự lên nắm quyền đã cấm hoàn toàn các cuộc tụ họp đông người liên quan đến chính trị. Đây cũng là lý do khiến chính quyền Thái Lan mạnh dạn ngăn chặn, đàn áp các hoạt động của phe Áo Đỏ, trong đó có các hoạt động vận động cử tri trước thời điểm trưng cầu dân ý.

Nhằm ngăn chặn tác động của phe Áo Đỏ đến người dân, trong một động thái liên quan, Hội đồng quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) tuyên bố NCPO và Ủy ban Bầu cử (EC) sẽ giám sát chặt chẽ trang mạng xã hội facebook của trung tâm giám sát gian lận mà UDD lập ra. Người phát ngôn NCPO, đại tá Piyapong Klinpan nói rằng NCPO và EC sẽ xác minh xem liệu các nội dung đăng tải trên trang mạng này có cấu thành tội danh kích động người dân không tham gia trưng cầu dân ý hoặc bỏ phiếu chống dự thảo Hiến pháp, đều bị xem là vi phạm Luật Trưng cầu dân ý năm 2016. Người phát ngôn NCPO cũng bác bỏ thông tin rằng cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7-8 tới có thể bị hủy và nói rằng đây chỉ là âm mưu làm sai lệch thông tin và kích động hỗn loạn của phe đối lập. Trước những hành động cấm đoán trên, phe Áo Đỏ đã có cuộc gặp với đại diện của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Bangkok để trình bày về các vụ việc vi phạm nhân quyền ở nước này trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới. Theo thủ lĩnh phe Áo Đỏ Jatuporn Prompan, nhiều người ủng hộ phe này đã bị bắt giữ và bị đưa ra xét xử tại tòa án quân sự sau khi đối đầu với nhà chức trách tại các trung tâm trưng cầu dân ý. Ông Jatuporn đã kêu gọi Thủ tướng Prayut Chan-ocha chấm dứt o ép phe đối lập bởi đó là hành động phi dân chủ. Đồng thời ông cũng kêu gọi chính quyền quân sự cho phép người dân tham gia vào tiến trình trưng cầu dân ý. Trước đó, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Ủy viên Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã lên tiếng quan ngại về sự tập trung quyền lực ngày càng rõ nét của quân đội. Ông cho rằng: “Mở rộng quyền lực của quân đội không phải là giải pháp để xây dựng lại nền chính trị của Thái Lan”.

Để bảo vệ quan điểm của mình, mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã điện đàm cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon để giải thích về chủ trương tự do ngôn luận của Chính phủ Thái Lan. Đồng thời, ông khẳng định chính phủ nước này cho phép tất cả người dân bày tỏ quan điểm về dự thảo Hiến pháp, mặc dù trước đó, ông Prayut Chan-ocha cho rằng, các trung tâm giám sát của phe Áo Đỏ hoạt động trái pháp luật.

Trong khi đó, Hội đồng quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) đã tuyên bố rằng việc đóng cửa các trung tâm giám sát trưng cầu dân ý của phe Áo Đỏ là hành động nhằm mục đích bảo vệ hòa bình và an ninh quốc gia.

Giới quan sát cho rằng, việc cấm đoán cuộc trưng cầu dân ý của chính quyền quân đội Thái Lan đối với phe Áo Đỏ chỉ là cái cớ để triệt tiêu hoàn toàn lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Bởi lẽ, hiện Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là phe Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và một bên là chính quyền của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha được quân đội ủng hộ. Chính vì vậy, quân đội Thái Lan đang tận dụng quyền lực hiện nay để loại bỏ hoàn toàn gia đình Shinawatra khỏi chính trường.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>