Tạo mặt trận chung về Biển Đông

19/05/2016 | 19:10 GMT+7

Đó là ý tưởng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ nỗ lực thuyết phục các nước thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 27-5 tới tại Ise Shima, tỉnh Mie. Mặt trận chung này để thống nhất chống lại các hành động “gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép. Nguồn: Reuters/TTXVN

Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình Quốc hội Báo cáo thường niên về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong năm 2015, trong đó nhận định Trung Quốc đang sử dụng “các chiến thuật cưỡng bức” khi mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông và các khu vực khác. Theo báo cáo, Trung Quốc đã hoàn tất các nỗ lực bồi đắp quy mô lớn trên 7 thực thể mà nước này đã chiếm giữ một cách bất hợp pháp và đang chuyển trọng tâm sang phát triển các cơ sở hạ tầng quân sự chắc chắn, qua đó sử dụng những thực thể này làm những căn cứ “dân sự - quân sự” lâu dài bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, nhằm tăng cường sự hiện diện của mình trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của quân đội nước này trên khắp thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố đang xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti - căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2015 tăng lên 144 tỉ USD, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đã kịch liệt phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia các nước của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông với sự tham gia của nhiều tàu chiến mang tên lửa, máy bay… nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp giữa tàu chiến, máy bay và các lực lượng khác. Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông được cho là đe dọa tới an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực, gây căng thẳng tại khu vực và xâm phạm chủ quyền của các nước.

Mới đây, Trung Quốc lại trắng trợn cấm đánh bắt cá tại Biển Đông. Đây là lần thứ 18 kể từ năm 1999, Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh này và lệnh này có hiệu lực với cả tàu cá nước ngoài. Theo lệnh cấm này, nếu tàu nào cố tình đánh bắt sẽ bị xử phạt hành chính và thu giữ dụng cụ đánh bắt. Trong thời gian thực thi lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc trắng trợn triển khai lực lượng hải cảnh để tăng cường tuần tra, chấp pháp, bắt giữ các tàu cá nào vào khu vực cấm và không tuân hành lệnh cấm đánh bắt cá.

Dự kiến trong tháng 6 tới, Nhật Bản cùng với Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung mang tên “Malabar” nhằm tăng cường quan hệ giữa ba nước trong lĩnh vực an ninh hàng hải và giám sát các hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>