Sức ép lớn đối với bà Park Geun-hye

14/11/2016 | 07:33 GMT+7

Ở Hàn Quốc, tình thế trở nên ngày càng thêm khó khăn và nguy hiểm đối với quyền lực của bà Tổng thống Park Geun-hye khi mới đây cả triệu người đã cùng tham gia một trong những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất tại Seoul.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang mất dần quyền lực do khủng hoảng chính trị.

Cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra hôm 12-11 tại Seoul cũng là cuộc biểu tình thứ ba diễn ra hàng tuần phản đối Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sau những bê bối liên quan tới người bạn gái thân thiết Choi Soon-sil. Bà Choi đã bị bắt để phục vụ điều tra vì liên quan tới những cáo buộc lợi dụng quan hệ với Tổng thống Hàn Quốc để trục lợi từ các tập đoàn kinh tế lớn. Cũng giống như các cuộc biểu tình trước đó, những đám đông biểu tình mới đây có thành phần rất đa dạng. Hàng nghìn người đã đi tàu và xe buýt từ các thành phố trên khắp Hàn Quốc tới Seoul để tham gia biểu tình. Thậm chí, một nhóm gồm khoảng 1.000 người đã bay tới từ hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju ở phía Nam Hàn Quốc. Sát cánh bên các học sinh trung học là những người đã về hưu, các cặp vợ chồng trẻ mang theo cả con cái xuống đường.

Có thể nói đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ vào những năm 1980. Một cuộc biểu tình vào tháng 6-2008 để phản đối quyết định của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Lee Myung-Bak nhằm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ đã thu hút khoảng 80.000 người, theo số liệu của cảnh sát, trong khi các nhà tổ chức khẳng định có 700.000 người tham gia. Các cuộc biểu tình đã nổ ra sau khi Tổng thống Park Geun-hye thừa nhận đã chia sẻ thông tin mật với người bạn gái thân thiết Choi Soon-sil. Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc cáo buộc rằng bà Choi lợi dụng quan hệ với tổng thống để trục lợi cá nhân. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Park đã rơi xuống mức kỷ lục. Theo khảo sát của Viện Gallup Hàn Quốc công bố ngày 11-11, tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye chỉ là 5%, ngang bằng với con số của tuần trước, theo Yonhap. Trong khi đó, tỷ lệ người không hài lòng với nữ tổng thống tăng 1 điểm % lên mức kỷ lục 90%.

Người dân Hàn Quốc đã từng vượt qua hàng loạt các cuộc khủng hoảng quốc gia một cách dũng cảm. Họ đã đạt được nền dân chủ trong những năm 1980, khi toàn nền kinh tế và xã hội quốc gia đang chịu sự quản lý của chính quyền quân sự. Họ cũng vượt qua 2 cuộc khủng hoảng tiền tệ trong khoảng những năm 1990 bằng một cuộc tái cơ cấu đầy cay đắng. Chỉ trong một khoảng thời gian 6 thập kỷ, Hàn Quốc đã từ một trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn tới vị trí trong top 10 nền kinh tế lớn nhất. Tuy nhiên, trong các đời chính quyền cũ, đất nước này lại thất bại trong việc thiết lập một môi trường chính trị tốt đẹp hơn. Vẫn còn nhiều cá nhân bấu víu lấy quyền lực, ép buộc các thể chế tài chính lớn trong nước bỏ tiền quyên góp, hay vẫn còn tồn tại các mối quan hệ đen tối giữa chính trị và giới doanh nhân giàu có. Vụ bê bối Choi Soon-sil là một ví dụ điển hình trong số này.

Bà Park Geun-hye đã hai lần công khai xin lỗi toàn dân, chia tay với một số cộng sự thân cận, cải tổ nội các và để cho quốc hội có quyền đề cử thủ tướng mới, tức là chịu chấp nhận chia sẻ bớt quyền lực của tổng thống cho đại diện của quốc hội và phe đối lập. Bà tổng thống còn tuyên bố sẵn sàng hợp tác trong quá trình điều tra. Đối sách như thế của bà Park Geun-hye không phải không có tác dụng, nhưng rõ ràng chưa thể đủ để giải thoát bà tổng thống khỏi nguy cơ bị phế truất hoặc buộc phải từ chức. 

Nếu bà Park từ chức, theo quy định của luật pháp Hàn Quốc, nước này sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày kể từ khi bà rời văn phòng. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ trở thành Tổng thống mới với nhiệm kỳ 5 năm. Các nhà phân tích cho rằng, đảng đối lập chưa chuẩn bị tình huống để có thể đảm nhận trách nhiệm từ tay đảng cầm quyền trong một cuộc bầu cử sớm như vậy. Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 12-2017.

“Nếu bà Park từ chức, điều này sẽ khiến mọi người rối loạn do vẫn đang tập trung trí lực vào việc chuẩn bị cho cả một năm vận động tranh cử”, ông Kim Man Heum, người đứng đầu Học viện Chính trị và Lãnh đạo Hàn Quốc, nhận định.

Tổng thống Park Geun-hye hiện đang ở năm thứ tư trong nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc khủng hoảng chính trị trên đe dọa sẽ làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách trong giai đoạn khó khăn thường gặp ở cuối nhiệm kỳ duy nhất của các tổng thống Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng mang tính sống còn, như các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, hay như quan hệ kinh tế Mỹ - Hàn dưới thời Tổng thống mới Donald Trump. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, cộng đồng chính trị nước này cần phải cực kỳ cẩn trọng không gây ra sai lầm khi để người dân bị chôn vùi trong sự phẫn nộ, điều có thể kiềm chế đà tăng trưởng kinh tế của họ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>