Quân đội chung châu Âu - Ước muốn khó đạt

19/09/2016 | 08:04 GMT+7

Ông Jean-Claude Juncker - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần thành lập lực lượng quân đội chung để đối phó với mối đe dọa từ Nga, cũng như khôi phục vị thế của liên minh này trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu hiện còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Một quân đội chung sẽ giúp châu Âu ít phụ thuộc hơn vào Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết lực lượng này sẽ giúp ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ của khối này cũng như bảo vệ các giá trị của châu Âu. Ông cũng khẳng định quân đội của Liên minh châu Âu không phải được xây dựng để sử dụng ngay lập tức mà để thể hiện quan điểm cứng rắn của Liên minh châu Âu trong việc bảo vệ các giá trị của liên minh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận định có một quân đội riêng sẽ giúp Liên minh châu Âu đưa ra các chính sách an ninh và đối ngoại chung, song nhấn mạnh lực lượng này sẽ không thách thức vai trò phòng vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việc xây dựng lực lượng quân đội chung châu Âu đã nhận được sự ủng hộ của Đức và Pháp. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier ủng hộ việc thành lập quân đội chung của Liên minh châu Âu, song cho rằng đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cần nhiều thời gian để thực hiện và phải được tiếp tục bàn thảo trong nội bộ Liên minh châu Âu. Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố quân đội chung của Liên minh châu Âu đã và đang tồn tại và nhấn mạnh thêm rằng Pháp là nước phải chịu gánh nặng lớn nhất trong việc triển khai các hoạt động quân sự của Liên minh châu Âu ở nước ngoài, nhất là ở Mali và khu vực Sahel.

Sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi cần phải thành lập lực lượng quân đội chung của Liên minh châu Âu, nhiều nước đã lên tiếng phản đối kế hoạch này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ba Lan tỏ ra không tin tưởng cũng như không ủng hộ đề xuất thành lập quân đội chung của Liên minh châu Âu. Ba Lan cho rằng việc thành lập quân đội chung của Liên minh châu Âu là không thể và không cần thiết và không nên làm giảm sự gắn kết trong NATO tại thời điểm lịch sử này. Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna đã nêu lên những khó khăn khi hiện thực hóa việc thành lập quân đội chung, bao gồm nguồn tài chính để duy trì quân đội chung, cách thức hoạt động của đơn vị tác chiến, cũng như trách nhiệm huấn luyện cho những đơn vị này. Thủ tướng Latvia cho rằng điều quan trọng là phải xem xét liệu quân đội chung của Liên minh châu Âu có phải là bản sao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không. Hiện NATO đang tăng cường sức mạnh phòng thủ ở sườn phía Đông của châu Âu với việc thành lập một lực lượng tinh nhuệ gồm 5.000 binh sĩ và các trung tâm chỉ huy tại 6 nước Đông Âu gồm Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Bulgaria.

Phản ứng trước lời kêu gọi thành lập quân đội chung của Liên minh châu Âu, Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng Nước Nga Thống nhất tại Duma Quốc gia (Hạ viện), thành viên Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, ông Franz Klintsevich nhận định rằng, một quân đội thống nhất của Liên minh châu Âu nếu được thành lập, có thể đóng vai trò khiêu khích đối với hòa bình và an ninh khu vực. Ông cũng lưu ý, ngay cả trong những năm tháng đối đầu căng thẳng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Khối Hiệp ước Vacsava cũng chưa có nước nào trong NATO có ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu. Ngày nay, khi Khối Hiệp ước Vacsava đã giải tán, lại càng không có lý do thành lập quân đội như vậy.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>