Quá tải làn sóng người tị nạn khỏi Nam Sudan

18/08/2016 | 07:18 GMT+7

Nội chiến liên tục diễn ra đã khiến hàng chục ngàn người dân vô tội phải thiệt mạng, hàng triệu người khác phải bỏ nhà cửa, quê hương lánh nạn. Làn sóng người tị nạn ở Nam Sudan đang là nỗi lo đối với các quốc gia liên quan.

Người tị nạn Nam Sudan tại Uganda. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể theo số liệu chưa đầy đủ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tính từ đầu năm tới nay, đã có gần 110.000 người Nam Sudan chạy sang Uganda để tị nạn, với mong muốn thoát khỏi các cuộc xung đột đẫm máu và do thiếu lương thực. Như vậy đến thời điểm này, theo ước tính, Uganda và Sudan đã tiếp nhận hơn 210.000 người tị nạn mới, chiếm hơn 90% số người tị nạn mới trong khu vực. Kể từ khi nội chiến bùng phát ở Nam Suduan vào tháng 12-2013 đến nay, đã có hàng chục ngàn người thiệt mạng, gần 3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa và gần 5 triệu người đang phải sống nhờ viện trợ lương thực khẩn cấp. Giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra tại Nam Sudan được xếp hạng nghiêm trọng và lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Syria, Afghanistan và Somalia.

Trước thực trạng trên, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cảnh báo tình trạng quá tải người tị nạn ở quốc gia châu Phi này không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Trong đó, đáng quan ngại là tình trạng người tị nạn đói, khát, thiếu thốn chăm sóc y tế, tình hình an ninh trật tự và các tệ nạn kèm theo.

Thực tế, nhiều tổ chức liên quan thời gian qua đã có những động thái tích cực để đạt được một thỏa hiệp hòa bình ở quốc gia này nhằm giảm bớt làn sóng di dân. Mới đây, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết bổ sung thêm lực lượng gồm 4.000 binh sĩ tới Nam Sudan sau khi những nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở nước này bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh dữ dội thời gian qua. Nghị quyết vừa được thông qua, cũng đe dọa sẽ áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí với Nam Sudan nếu chính phủ nước này tìm cách ngăn chặn quá trình triển khai lực lượng trên. Tuy nhiên, Uganda thông báo sẽ không gửi binh sĩ để tăng cường cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan.

Trước đó, các nước thành viên Cơ quan Phát triển Liên Chính phủ Đông Phi (IGAD) cũng đã quyết định triển khai lực lượng can thiệp khu vực để phối hợp với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (UNMISS) tại Nam Sudan trong việc duy trì an ninh trật tự tại đây. Hiện UNMISS đang bị chỉ trích mạnh mẽ do không ngăn chặn được những cuộc xung đột đẫm máu mới đây và bảo vệ thường dân tại quốc gia châu Phi này. Đặc biệt, những cuộc giao tranh dữ dội này đã khiến cho gần 300 người thiệt mạng và hơn 100.000 người dân buộc rời bỏ quê hương sang các nước láng giềng lánh nạn.

Trong một động thái liên quan, đại diện thường trực của Nam Sudan tại Liên minh châu Phi (AU) James Pitia Morgan cho biết, Chính phủ Nam Sudan đã cam kết thực thi thỏa thuận hòa bình được ký vào tháng 8-2015 nhằm chấm dứt gần 2 năm nội chiến. Ông Morgan cũng hối thúc phe đối lập phối hợp với chính phủ như đã được quy định trong thỏa thuận hòa bình để đất nước có được nền hòa bình lâu dài. Ông Morgan nhấn mạnh tương lai của Nam Sudan phụ thuộc vào người dân nước này, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sức ép buộc phe đối lập của Phó Tổng thống thứ nhất Riek Machar cùng hợp tác với chính phủ.

Tuy nhiên, tiến trình hòa bình đã bị đình trệ vì các nhân vật cứng rắn ở cả hai phe đều không nhất trí với giải pháp đã thỏa thuận. Gần đây, giao tranh đã bùng phát giữa các lực lượng chính phủ và phe đối lập. Lo ngại tình trạng bạo lực leo thang tại Nam Sudan, một số nước đã sơ tán công dân khỏi quốc gia châu Phi này.

Từ những diễn biến trên cho thấy giao tranh ở Nam Sudan vẫn chưa có hồi kết và những người dân vô tội sẽ tiếp tục gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc chiến này.  Điều này đồng nghĩa với làn sóng người tị nạn ở quốc gia châu Phi này tiếp tục gia tăng. Bài toán khó về khủng hoảng làn sóng người tị nạn ở Nam Sudan vẫn chưa có lời giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>