Qatar vẫn “thoải mái” dù bị cô lập

14/06/2017 | 08:42 GMT+7

Đã 1 tuần trôi qua kể từ khi bùng phát căng thẳng ngoại giao giữa các nước láng giềng vùng Vịnh nhưng Qatar vẫn tuyên bố đứng vững trước sự cô lập.

Bất chấp việc bị các nước trong khu vực cô lập, Qatar khẳng định vẫn “đứng vững”. Ảnh minh họa: CNBC

Những ngày qua, giao thông đường không, đường biển và đường bộ ở biên giới đều bị phong tỏa, nhiều gia đình đã bị chia cắt, người Qatar không thể gặp gỡ người thân sống tại các nước Saudi Arabia, UAE và Bahrain. Số liệu thống kê ban đầu cho thấy có tới hàng nghìn người sẽ bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập cảnh mà các nước láng giếng vùng Vịnh áp đặt lên Qatar.

Quốc gia Qatar có diện tích khiêm tốn này phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu lương thực. Phong tỏa biên giới làm tê liệt hoạt động vận chuyển hàng hóa tới quốc gia này. Số ít các nhà máy trong nước phải tăng ca sản xuất, cố gắng giảm tải áp lực thiếu thực phẩm, đồng thời xoay sở để tìm nguồn cung mới. Trong thế bị bao vây, Qatar ngày 12-6 đã bắt đầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy qua Oman. Các chuyến hàng bằng đường không cung đang được đẩy mạnh từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ tới Qatar. Trong đó, Iran mới đây đã điều 4 máy bay chở lương thực tới Qatar. Tehran cho biết sẽ hướng tới đảm bảo cho Qatar khoảng 100 tấn lương thực mỗi ngày.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Qatar nói, nước này đủ sức duy trì đời sống cao cho người dân, bất chấp đang bị các nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và hạn chế đi lại. Bộ trưởng Kinh tế Qatar Ahmed bin Jassim al-Thani cho biết, lĩnh vực năng lượng và kinh tế ở nước này vẫn hoạt động như bình thường, không có tác động nghiêm trọng nào đến nguồn cung thực phẩm hay hàng hóa. Qatar có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Au. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Qatar, nước này sẽ đa dạng hóa nền kinh tế để ứng phó với khủng hoảng.

Hiện các nhà sản xuất lương thực Qatar đang chuyển hướng tìm những đối tác mới bên ngoài Vịnh như Brazil, Azerbaijan, Uzbekistan, Ukraine, Romania và Bulgaria… nhằm ổn định thị trường lương thực cho người dân. Nhiều tập đoàn lớn tại Qatar cũng đẩy mạnh sản lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Chủ tịch Tập đoàn phát triển các dự an quốc tế của Qatar Ahmed Al Khalaf cho biết: “Do tình hình phát sinh trong tuần vừa qua nên chúng tôi đã bắt đầu tăng gấp đôi lượng sản xuất. Chúng tôi đã đưa ra hai thay đổi lớn, đó là gia tăng sản xuất và ngừng xuất khẩu. Chúng tôi sẽ sản xuất để phục vụ cho thị trường trong nước và đang triển khai kế hoạch nhằm tăng sản lượng”.

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi, Chính phủ nước này vẫn “rất thoải mái” về tình hình tài chính của mình với các nguồn lực được dự trữ từ trước. Ông Al-Emadi cũng đưa ra cảnh báo, các nước áp đặt trừng phạt Qatar sẽ bị tổn thất về tài chính do các tác động ngược từ lệnh trừng phạt thương mại trong khu vực. Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới. Hiện lĩnh vực năng lượng và nền kinh tế của nước này về cơ bản vẫn hoạt động bình thường, trong khi nguồn cung thực phẩm và các hàng hóa khác cũng không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.

Theo nhận định của giới chuyên gia, miễn là các quốc gia vùng Vịnh khác không can thiệp vào xuất khẩu khí đốt của Qatar thì nền kinh tế quốc gia nhỏ bé này sẽ không phải chứng kiến một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Hiện nhiều quốc gia tiếp tục lên tiếng nhấn mạnh các nước Arab cần đối thoại thay cho các biện pháp cấm vận. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã kêu gọi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập và Bahrain giảm bớt các biện pháp bế quan tỏa cảng đối với Qatar. Những tín hiệu được giới phân tích kỳ vọng là sẽ khiến các bên sớm xuống thang để tìm ra một giải pháp.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>