Phe đối lập đòi phế truất Tổng thống Venezuela

05/08/2016 | 07:35 GMT+7

Khủng hoảng chính trị kéo dài nên gần đây phe đối lập ở Venezuela đã thu thập chữ ký của cử tri đòi phế truất đương kim Tổng thống Nicolas Maduro. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố liên quan, phe đối lập cần thu thập hơn 7,5 triệu phiếu phản đối (tương đương với số phiếu cử tri bỏ cho ông Maduro năm 2013) mới đủ điều kiện phế truất tổng thống.

Phe đối lập Venezuela. Ảnh: PressTV

Theo đó, phe đối lập Venezuela tuyên bố đã thu thập được 408.000 chữ ký của cử tri thống nhất trưng cầu dân ý về việc phế truất đương kim Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) cho biết, Liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đã thành công trong việc thu thập chữ ký của 1% cử tri ở tất cả 24 bang. Chủ tịch CNE, bà Tibisay Lucena khẳng định, 98% chữ ký mà MUD thu thập bước đầu đã được xác định là hợp lệ. Con số này nhiều gấp đôi số chữ ký tối thiểu cần thiết trong giai đoạn đầu trưng cầu dân ý theo quy định. Tuy nhiên, bà Lusena vẫn kêu gọi mở một cuộc điều tra về gian lận đối với 2% chữ ký còn lại theo cáo buộc của phía chính phủ. Cụ thể là trong danh sách những người ký tên có 1.326 dấu vân tay không khớp, 243 lượt đăng ký kép của 198 người đã đến chứng thực dấu vân tay nhiều hơn một lần ở những nơi khác nhau. Những trường hợp này cũng sẽ được đưa sang Bộ các vấn đề công để điều tra tính xác thực.

Theo quy định, ở giai đoạn hai, MUD phải thu thập 4 triệu chữ ký, tương đương 20% số cử tri để mở đường cho một cuộc trưng cầu dân ý lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống trong vòng 90 ngày sau đó. Hiện CNE vẫn chưa ấn định ngày triển khai giai đoạn 2 nhưng phe đối lập đang chạy đua với thời gian, để tiến hành thu thập chữ ký cử tri. Nếu trưng cầu dân ý diễn ra trong năm nay và kết quả là ông Maduro bị truất quyền thì CNE sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn. Và khi đó phe đối lập sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng bởi uy tín của ông Maduro đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nhưng nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào năm sau thì kể cả khi ông Maduro bị truất quyền, theo Hiến pháp, CNE cũng không cần phải tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống khác mà cấp phó của ông Maduro sẽ lên thay, tức là Đảng Xã hội cánh tả tiếp tục nắm quyền đến cuối năm 2018. Trong một động thái liên quan, Tổng thống Maduro tuyên bố việc trưng cầu dân ý lấy phiếu tín nhiệm chỉ có thể diễn ra vào năm tới nếu phe đối lập tập hợp đầy đủ điều kiện như luật pháp quy định. Điều này đồng nghĩa MUD bị thất bại cho dù có nỗ lực chạy đua với thời gian.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Venezuela đã lên tiếng tố cáo phe đối lập có hành vi gian lận trong việc thu thập chữ ký kêu gọi bỏ phiếu lấy tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với Tổng thống Nicolas Maduro. Ông Jorge Rodríguez,  Thị trưởng thành phố Caracas kiêm người đứng đầu ủy ban đặc biệt của chính phủ do Tổng thống Maduro chỉ định cùng CNE kiểm định chữ ký cho biết cơ quan chức năng đã nhận được 8.600 đơn thư của công dân tại các tòa án, tố cáo MUD giả mạo chữ ký. Ông nêu rõ việc lấy chữ ký yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống Maduro “không có giá trị về mặt pháp lý”.

Thực tế, khủng hoảng chính trị ở Venezuela ngày càng diễn ra gay gắt làm đảo lộn cả hệ thống công quyền và cuộc sống người dân. Mới đây, Tòa án tối cao Venezuela tuyên bố các hoạt động của Quốc hội nước này đang do phe đối lập kiểm soát là “không có hiệu lực” cho đến khi 3 nghị sĩ đối lập bị cấm, rút khỏi Quốc hội. Tuy nhiên sau đó, Quốc hội Venezuela đã bỏ phiếu chấp thuận 3 nghị sĩ đến từ bang Amazonas, ở miền Nam nước này vẫn đủ tư cách tham gia Quốc hội. Gần đây nhất, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã chỉ định Tướng quân đội Nestor Reverol làm tân Bộ trưởng Nội vụ, đồng thời cách chức Phó Tổng thống phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Công nghiệp Miguel Perez. Nhiều khả năng Thứ trưởng Công nghiệp Carlos Faria sẽ đảm nhiệm vị trí hiện tại của ông Perez.

Bên cạnh đó, do “đấu đá” tranh giành quyền lực trong nội bộ cộng với tác động mạnh từ cú sốc giá dầu mỏ từ giữa năm 2014 đến nay nên nền kinh tế Venezuela đang lâm vào suy thoái nghiêm trọng với tỷ lệ lạm phát ở mức 3 con số.  Từ đó đã làm cho cuộc sống người dân lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là thiếu thốn nhu yếu phẩm. Chính những lý do trên mà hàng nghìn người dân Venezuela đã vượt biên giới giữa nước này sang Colombia để mua lương thực và thuốc men bất chấp lệnh đóng cửa biên giới giữa hai quốc gia này. Nếu tình trạng khủng hoảng trên không được cải thiện thì đời sống người dân Venezuela sẽ càng khốn khó hơn.

Hiện phe đối lập Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đã giành được 112 trong tổng số 167 ghế, trong khi Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền chỉ được 55 ghế trong Quốc hội Venezuela. Do đó, MUD đã và đang tìm mọi cách để lật đổ Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro để lên nắm quyền. Điều này sẽ là rào cản rất lớn đối với ổn định chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>