Thái Lan

Phe đối lập chấp nhận thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân

10/08/2016 | 07:23 GMT+7

Với tỷ lệ cử tri đồng ý chiếm tương đương 61%, khả năng thông qua Hiến pháp mới của Thái Lan sẽ thành hiện thực. Điều này đồng nghĩa với phe đối lập đã thất bại bước đầu trong cuộc đua chính trị. 

Nhân viên cơ quan bầu cử Thái Lan kiểm phiếu tại thủ đô Bangkok ngày 7-8. Nguồn: Kyodo/TTXVN

Sau khi lên nắm chính quyền hồi tháng 5 năm 2014, Quân đội Thái Lan đã cấm hoàn toàn các cuộc tụ họp đông người liên quan đến chính trị. Đây cũng là lý do khiến chính quyền Thái Lan mạnh dạn ngăn chặn, đàn áp các hoạt động của phe đối lập trong đó có các hoạt động vận động cử tri trước thời điểm trưng cầu ý dân. Sau nhiều nỗ lực vận động, mới đây Thái Lan đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm dự thảo Hiến pháp mới, với tỷ lệ đồng thuận của trên 61% cử tri. Mặc dù kết quả trên chưa chính thức được công bố, nhưng phe đối lập đã có những phản ứng trái chiều. Lãnh đạo Đảng Pheu Thai (Đảng Vì nước Thái), cho rằng cử tri Thái Lan bỏ phiếu chấp thuận dự thảo Hiến pháp vì họ muốn cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức. Tuy nhiên, Đảng Pheu Thai cũng nhấn mạnh việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn cả cuộc trưng cầu năm 2007 đã cho thấy rõ thái độ không đồng thuận của người dân. Ông Phumtham Wechayachai, nhà lãnh đạo chủ chốt Đảng Pheu Thái khẳng định đảng này sẽ tiếp tục đấu tranh vì nền dân chủ của Thái Lan. Trong một diễn biến liên quan, ông Jatuporn Prompan, lãnh đạo Mặt trận Dân chủ Chống Độc tài hay còn gọi là phe Áo Đỏ thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân, tuy nhiên ông khẳng định phe Áo Đỏ sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ của Thái Lan. Tổng Thư ký của phe Áo Đỏ Nattawut Saikuar cũng cảnh báo rằng, Hiến pháp mới một khi được ban hành có thể dẫn đến xung đột chính trị lớn trong tương lai.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp (CDC) Meechai Ruchupan tuyên bố đã đến lúc người dân Thái Lan hướng về phía trước. Ông cũng cho biết thêm dù dự thảo Hiến pháp mới này được thông qua, nhưng phải sau 3-4 tháng nữa mới có hiệu lực do các quy trình pháp lý cần thiết.

Mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cho biết, cuộc trưng cầu ý dân này sẽ quyết định tới tương lai của đất nước, qua đó có thể mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017. Đồng thời ông Prayut cũng cam kết chính phủ sẽ thực hiện đúng lộ trình chính trị đã đặt ra.

Việc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp Thái Lan cũng được Liên Hiệp Quốc, Đại sứ quán Mỹ và Mạng lưới Bầu cử tự do châu Á (ANFREL) cử quan sát viên không chính thức quan tâm giám sát. Theo đại diện của ANFREL, cuộc trưng cầu dân ý của Thái Lan diễn ra khá suôn sẻ và các nhân viên bầu cử đã hoạt động khá chuyên nghiệp.

Theo giới phân tích, nếu dự thảo Hiến pháp được thông qua sẽ củng cố tính hợp pháp của chính quyền hiện nay. Đây được xem là phương tiện để chính quyền do quân đội nắm quyền mạnh tay đàn áp phe đối lập. Việc này đồng nghĩa với sự thất bại bước đầu của phe đối lập cho dù họ có ra tranh cử vào năm tới hay không. Tuy nhiên, theo giáo sư Gothom Areeya tại Đại học Mahidol của Thái Lan khẳng định, cho dù có hòa bình ngay lúc này, nhưng đó sẽ là một nền hòa bình dưới quyền kiểm soát của quân đội. Nói một cách khác, một bộ phận không nhỏ thành viên và người dân theo phe đối lập sẽ tiếp tục bị đàn áp nếu không đồng thuận với chính phủ. 

Thái Lan đã chứng kiến 13 cuộc đảo chính quân sự thành công và 11 âm mưu đảo chính kể từ khi nước này thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng nhà nước lập hiến năm 1932. Nếu được thông qua, đây sẽ là bản Hiến pháp lần thứ 20 của quốc gia này.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>