Pháp lại thấp thỏm với khủng bố

13/09/2016 | 08:39 GMT+7

Sau vụ khủng bố không thành dự kiến diễn ra vào 4 giờ sáng chủ nhật tuần trước, gần địa điểm nhà thờ Đức Bà Paris, Thủ tướng Pháp Manuel Valls phải thông báo với báo giới rằng: “Chúng tôi đã nhận thấy nguy cơ đe dọa lên đến mức tối đa”.

An ninh được tăng cường sau vụ khủng bố hụt tại nhà thờ Đức Bà Paris hôm chủ nhật tuần trước.

Thủ tướng Pháp cho biết, tuần qua đã có ít nhất 2 vụ tấn công bị chặn đứng, khiến thủ đô Paris được đặt trong tình trạng báo động cao. Do vậy, ông có trách nhiệm phải thông báo với người dân, những nguy cơ khủng bố mới là có thực và sẽ có những nạn nhân vô tội. Hiện khoảng 15.000 đối tượng đang nằm trong diện theo dõi của cảnh sát và các cơ quan tình báo Pháp do có xu hướng trở nên quá khích và cực đoan hóa.

Trong vụ khủng bố hụt vừa qua, rất may là cảnh sát Pháp đã tình cờ phát hiện một chiếc xe Peugot không biển số bật xi nhan cạnh đó. Trong xe có 7 bình gas, 3 can dầu diessel và một điếu thuốc lá cháy dở, nối với một mảnh vải. Nhiều tài liệu bằng tiếng Arab cũng bị bỏ lại trong xe. Cảnh sát Pháp đã tìm ra chứng cớ cho thấy, tổ chức IS từ Syria đã trực tiếp điều hành nhóm khủng bố gồm 3 phụ nữ định thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Paris. 3 nghi phạm nữ được xác định hôm thứ năm vừa qua có độ tuổi là 19, 23 và 39. Hai phụ nữ đã dùng dao chống trả, buộc cảnh sát phải nổ súng. Một trong ba phụ nữ, năm nay 19 tuổi, có tên trong danh sách tình nghi khủng bố của cảnh sát Bỉ. Các nghi phạm ban đầu khai rằng, chúng muốn gây vụ nổ tại trung tâm Paris để trả thù cho một chỉ huy cấp cao của IS vừa bị tiêu diệt tại Syria.

Không kể các vụ khủng bố bất thành thì cho đến nay nước Pháp đã hứng chịu 7 cuộc tấn công khủng bố làm hàng trăm người thiệt mạng. Lý giải vì sao nước Pháp là một trong những tâm điểm của khủng bố, giới quan sát cho rằng có 5 nguyên nhân chính. Thứ nhất, Pháp là một trong các nước châu Âu đã tham gia sâu vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Pháp vẫn tiếp tục tham gia ném bom xuống các vị trí căn cứ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Trên thực tế, nhiều nước khác cũng hỗ trợ tích cực cho mặt trận chống khủng bố Hồi giáo như Anh và Mỹ. Song nếu so với cường quốc này, Pháp là địa điểm dễ tiếp cận hơn về mặt địa lý so với quốc đảo như Vương quốc Anh. Những kẻ khủng bố bị cực đoan hóa tại Bắc Phi, vùng Sahel, Syria và Iraq tại Trung Đông, sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc xâm nhập vào Mỹ so với Pháp.

Thứ hai, Pháp có một cộng đồng Hồi giáo lớn gồm những người có hai quốc tịch: Pháp và quốc tịch nước xuất xứ. Do vậy, các nhà chức trách Pháp khó có thể theo dõi những công dân đang bị cực đoan hóa vì những người này có thể dễ dàng nhập cảnh và xuất cảnh khỏi Pháp mà không cần hộ chiếu Pháp. Họ không cần visa ở lại Pháp nếu là người Syria, Tunisia và Angeria.

Thứ ba, Pháp là một dân tộc tự do, phi tôn giáo nên hoàn toàn tách biệt vấn đề tôn giáo khỏi phạm trù nhà nước. Nước Pháp không cảm thấy có trách nhiệm về những vấn đề tôn giáo. Điều đó có nghĩa là Pháp không để mắt đến những gì diễn ra trong các cộng đồng Hồi giáo, nơi những quá trình cực đoan hóa trước đây không nằm trong sự quan tâm của nhà nước đơn giản vì chính phủ Pháp cảm thấy không có trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến tôn giáo.

Thứ tư, Pháp là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao. Gần 10% dân số không có việc làm. Đây là vấn đề nghiêm trọng khi xét đến thực tế là 46% thanh niên nhập cư Pháp thất nghiệp và không có tương lai. Xét về khía cạnh này, nguy cơ cực đoan hóa nằm chính trong nước Pháp.

Cuối cùng là sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo Pháp vẫn còn nhiều bất cập như trước đây. Các cơ quan tình báo Pháp chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau. Những lỗ hổng thông tin thường xuất hiện và đồng thời các chính trị gia chưa tìm ra được phương cách để nâng cao hợp tác giữa các cơ quan khác nhau.

 Hiện nước Pháp vẫn đang duy trì tình trạng báo động an ninh. Tổng thống Pháp Hollande cho biết: “Chúng ta không thể lơ là nhiệm vụ giữ gìn an ninh vào bất cứ thời điểm nào bởi khi một nhóm cực đoan này bị xóa sổ thì các nhóm khác sẽ nổi lên. Chúng ta cần có phản ứng kịp thời với mọi thách thức trước khi quá muộn”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>