“Nóng” chuyện xứ Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha

02/10/2017 | 07:31 GMT+7

Tây Ban Nha đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị và hiến pháp vì cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập vùng Catalonia.

Biểu tình của sinh viên ở Barcelona ủng hộ Catalonia trưng cầu ý dân. Ảnh: REUTERS

Chính phủ Tây Ban Nha trong thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp về vấn đề độc lập mà chính quyền vùng Catalonia lên kế hoạch tổ chức vào ngày 1-10. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã khẳng định một cuộc trưng cầu ý dân như vậy là vi hiến. Bên cạnh việc tịch thu nhiều tài liệu, biểu ngữ và gần 10 triệu lá phiếu, cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha đã điều động khoảng 10.000 nhân viên đến Catalonia nhằm ngăn chặn cuộc bỏ phiếu. Cảnh sát sẽ ngăn chặn việc sử dụng các trụ sở của nhà nước hoặc những địa điểm khác để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân. Trước đó, nhà chức trách Tây Ban Nha đã bắt giữ ít nhất 14 quan chức địa phương, trong đó có quan chức phụ trách kinh tế của Catalonia, do đã có những hành động ủng hộ tiến hành cuộc trưng cầu được coi là bất hợp pháp này. Ngoài ra, Chính phủ Tây Ban Nha cũng tuyên bố sẽ đình chỉ việc cấp ngân sách cho Catalonia nếu chính quyền vùng vẫn xúc tiến cuộc trưng cầu ý dân.

Mặc dù vậy, các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu vẫn đang tích cực diễn ra trong khu vực. Chính quyền Catalonia tuyên bố đã thiết lập 17.000 điểm bỏ phiếu trên khắp vùng lãnh thổ này. Những người Catalonia ủng hộ ly khai cũng chiếm giữ một số ngôi trường ở Barcelona được lựa chọn làm các điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu, nhằm đảm bảo công tác bỏ phiếu sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Theo khảo sát, có khoảng 60% trong số 5.300.000 cử tri hợp lệ sẽ đi bỏ phiếu. Trong khi đó, cảnh sát vùng Catalonia gồm khoảng 17.000 nhân viên, đang bị kẹt giữa một bên là phải trung thành với chính quyền vùng và một bên là phải tuân thủ luật pháp. Tình hình Tây Ban Nha dự kiến vẫn còn phức tạp trong những ngày tới. Liên quan vấn đề an ninh, an toàn tại Tây Ban Nha trong những ngày cuối tuần, nhiều nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Ba Lan đã khuyến cáo công dân của mình thận trọng tới Catalonia.

Thực tế vấn đề độc lập đang gây chia rẽ trong chính nội bộ vùng Catalonia trước thềm cuộc bỏ phiếu. Trong khi phần lớn người dân trong vùng muốn có một cuộc trưng cầu ý dân về chủ quyền, thì nhiều người vẫn mong muốn là một phần của Tây Ban Nha hơn là độc lập.

Theo một số nhóm phản đối độc lập, cuộc trưng cầu ý dân này sẽ không giải quyết được bất cứ điều gì mà chỉ gây chia rẽ trong chính nội bộ Catalonia nói riêng và Tây Ban Nha nói chung, thậm chí kể cả khi vùng này tuyên bố độc lập. Các cuộc khảo sát mới đây cũng cho thấy, có thêm nhiều cử tri Catalonia lựa chọn ở lại Tây Ban Nha hơn là độc lập. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định, với các bước đi gần đây của chính phủ Tây Ban Nha được cho là khá “mạnh tay” có thể làm thay đổi cục diện tình hình.

Chính quyền Catalonia cam kết sẽ tuyên bố độc lập 48 giờ đồng hồ nếu phe ủng hộ giành hơn 50% số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân. Liên minh châu Âu (EU) hiện bác bỏ khả năng làm hòa giải bất đồng này bất chấp yêu cầu từ chính quyền vùng Catalonia. Theo các quan chức châu Âu, đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha. Chủ tịch nghị viện châu Âu nhấn mạnh, mặc dù EU ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha nhưng cũng cần các cuộc thảo luận chính trị sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 1-10.

Là một khu vực giàu có với 7,5 triệu dân ở Đông Bắc Tây Ban Nha, Catalonia có mức độ tự trị cao nhưng không được hiến pháp Tây Ban Nha công nhận là quốc gia riêng biệt. Với thủ phủ là Barcelona, Catalonia chiếm 16% dân số Tây Ban Nha và đóng góp tới 1/5 trong nền kinh tế trị giá 1.100 tỉ euro của nước này.

 

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>