“Nóng” chuyện khôi phục chương trình hạt nhân của Iran

23/02/2017 | 07:59 GMT+7

Nghi ngờ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 hồi tháng 7-2015 bị phá vỡ do tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tehran đã có nhiều động thái đối phó.

Ảnh minh họa. Nguồn: INDIATIMES.COM

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cảnh báo, nếu chính quyền mới của Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran đạt được với 6 cường quốc thế giới hồi tháng 7-2015 thì mọi thứ sẽ trở lại “điểm xuất phát”. Ông Ali Larijani tuyên bố Iran có thể khôi phục chương trình hạt nhân nếu Washington quyết tâm hủy bỏ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) mà Tehran ký kết với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) tại Vienna (Áo). Theo đó, JCPOA chính thức có hiệu lực sau 6 tháng ký kết, tức là ngày 16-1-2016. Theo thỏa thuận, Tehran sẽ hạn chế làm giàu urani và hủy bỏ các chương trình hạt nhân dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); đổi lại, EU, Mỹ và Liên Hiệp Quốc sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính nhằm vào Iran. Bên cạnh đó, EU và Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát quá trình thực thi thỏa thuận của các bên. Đây là kết quả của cả quá trình đàm phán lâu dài giữa các bên liên quan.

Thời gian qua, JCPOA được thực thi khá nghiêm túc. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano xác nhận rằng Iran đã tuân thủ các cam kết của nước này theo thỏa thuận JCPOA. Ngoài ra, IAEA cũng đã công bố một báo cáo khác về hệ thống thanh sát hoạt động làm giàu urani để xác nhận rằng Iran thực hiện đầy đủ các cam kết theo JCPOA. Cùng thời gian này, các lệnh trừng phạt của EU, Mỹ và Liên Hiệp Quốc cũng đã được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, sở dĩ thời gian gần đây Tehran có phản ứng trái chiều với ý định khôi phục lại chương trình hạt nhân là vì những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc ông Trump nhiều lần công kích thỏa thuận quốc tế quan trọng này, gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất chưa từng có”. Iran lo ngại JCPOA sẽ bị phá vỡ từ phía Mỹ nên đã có những hành động đối phó. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi mới đây cho biết, kho urani dự trữ urani của nước này sẽ tăng thêm 60% so với thời điểm trước khi đạt thỏa thuận lịch sử năm 2015 với Nhóm P5+1. Động thái này diễn ra sau khi Iran dự kiến sẽ nhận lô hàng cuối cùng gồm 149 tấn urani tự nhiên cộng với 210 tấn nước này đã tiếp nhận từ đầu năm 2016.

Trong một động thái liên quan, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cũng ca ngợi mối quan hệ giữa Tehran và Matxcơva, khẳng định rằng, hiện hai nước không có bất kỳ điểm bất đồng nghiêm trọng nào. Ngoài ra, ông Larijani cũng nêu rõ Iran hoan nghênh và sẵn sàng đối thoại với các nước Arab vùng Vịnh, kể cả với Saudi Arabia. Ông khẳng định, đàm phán và thương lượng sẽ là động thái tích cực cho khu vực, song Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Thủ tướng Anh Theresa May mới đây cũng khẳng định sẽ giữ nguyên quan điểm ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran với Nhóm P5+1. 

Từ những diễn biến trên, giới phân tích cho rằng, nhiều quốc gia đang đau đầu vì chưa giải quyết được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nên việc Iran dọa khôi phục chương trình hạt nhân sẽ làm “nóng” hơn nỗi lo chạy đua vũ khí hủy diệt này. Hơn lúc nào hết, JCPOA cần được thực thi nghiêm túc là tâm nguyện của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>