Nhùng nhằng chuyện Anh rời EU

08/11/2016 | 07:45 GMT+7

Tòa án Tối cao Anh tuần rồi đã ra phán quyết rằng Quốc hội nước này phải bỏ phiếu để xem xét có hay không bắt đầu tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Điều này có nghĩa Chính phủ của bà Theresa May không được toàn quyền khởi động tiến trình Brexit mà phải đợi kết quả bỏ phiếu một lần nữa ở Quốc hội Anh.

Tiến trình Brexit của Anh lại gặp trắc trở. Ảnh: CNN

Ngày 24-6, cử tri Anh đã bỏ phiếu quyết định về việc rời khỏi EU (Brexit), với 51,9% phiếu thuận. Kết quả trưng cầu này dẫn tới nhiều hệ lụy trong chính trường Anh, bao gồm việc cựu thủ tướng David Cameron từ chức và bà Theresa May lên nắm chính phủ. Nhiệm vụ trước mắt của nội các mới dưới quyền bà Theresa May là nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sau khi kích hoạt Điều khoản 50 để bắt đầu quá trình rời khỏi EU. Theo kế hoạch, cuối tháng 3-2017, Anh sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU, dự kiến kéo dài 2 năm để có thể hoàn toàn rời khỏi khối.

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Tối cao mới đây sẽ là cản trở lớn cho bà May. Đài CNN nhận định phán quyết của Tòa án Tối cao là một thất bại đối với chính quyền London. Tiến trình Brexit có thể bị chậm lại vì chính phủ phải đề xuất một dự luật để Quốc hội thông qua. Với khả năng nó sẽ được chỉnh sửa nhiều lần, thời gian biểu đề ra nói trên của bà May rất khó có khả năng thành hiện thực.

Không có gì khó hiểu khi Chính phủ Anh bày tỏ sự thất vọng về phán quyết của tòa án và tuyên bố sẽ kháng cáo. Bà Theresa May cáo buộc tòa án đang “cố gắng giết chết tiến trình Brexit bằng cách trì hoãn nó”. “Họ không muốn Brexit đi đúng hướng. Họ đang xúc phạm sự hiểu biết của người dân Anh”, bà May nói.

Trên thực tế, Quốc hội Anh hoàn toàn có quyền ngăn cản Brexit, nhưng không thể làm điều này trong bối cảnh đó đã là “sự lựa chọn của người Anh” tính trên phần trăm cử tri dù chiếm tỷ lệ sít sao trong cuộc trưng cầu nêu trên. Điều đặc biệt là cả 3 thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Anh nói rằng Chính phủ không có quyền hạn để kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon nhưng Tòa án cho phép Chính phủ Anh kháng phán quyết này. Tuyên bố nước đôi này cho thấy Quốc hội Anh sẽ là cơ quan quyền lực nhất thông qua việc nước này có tiếp nối quá trình tách khỏi liên minh hay không. Đồng nghĩa với việc bà Theresa May sẽ phải đợi một cuộc bỏ phiếu nữa ở Quốc hội hoặc có thể kháng cáo các phán quyết của tòa nhằm đơn phương kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon nhằm thúc đẩy tiến trình ly tách này. Các thẩm phán nói rằng chính phủ có quyền kháng cáo lên Tòa án Tối cao, cơ quan xét xử cao nhất của Vương quốc Anh, và phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 5 đến 8-12.

Nếu Chính phủ Anh chọn cách kháng cáo thì sẽ có 2 kịch bản có thể xảy ra. Một là Chính phủ của bà Theresa May kháng cáo thành công, mọi chuyện vẫn được tiến hành như bình thường. Bà May vẫn khẳng định đàm phán muộn nhất diễn ra vào tháng 3-2017. Còn kịch bản thứ hai, nếu kháng cáo thất bại ở Tòa án Tối cao, quyền kích hoạt giai đoạn đàm phán sẽ được chuyển cho Quốc hội. Đa số ý kiến cho rằng mốc tháng 3-2017 sẽ khó giữ được, có thể bị trì hoãn lại nhiều tháng. Mới đây, Thủ tướng Anh Theresa May đã có các cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel, qua đó cam kết sẽ không thay đổi thời điểm kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để đàm phán về việc Anh rời EU. Bà May tự tin khẳng định, Chính phủ Anh sẽ kháng cáo thành công quyết định của Tòa án Cấp cao nước này trong việc trao quyền khởi động đàm phán rời EU cho Quốc hội. Kết quả kháng cáo của Chính phủ Anh sẽ được đưa ra sớm nhất vào tháng 1-2017. Trong trường hợp kháng cáo thất bại, Chính phủ Anh sẽ cần đề xuất một dự luật với các điều khoản cụ thể về việc đàm phán rời EU và phải được cả hai viện Quốc hội thông qua. Trong trường hợp này, nhiều khả năng dự luật sẽ bị chỉnh sửa nhiều lần trong một thời gian dài do có nhiều nghị sĩ không đồng tình với kết quả Brexit.

Nước Anh vẫn đang phải giải quyết nhiều vấn đề sau cơn địa chấn trưng cầu dân ý trong tháng 6 năm nay. Đây là điều nhiều người Anh đã không lường hết khi chọn câu trả lời ra đi. Theo kết quả của cơ quan nghiên cứu bầu cử Anh, nếu được bỏ phiếu lại vào thời điểm này, 7% số người từng chọn rời đi sẽ thay đổi quyết định. Như vậy, cán cân sẽ thay đổi, nghiêng về những người ở lại. Do vậy, trắc trở trong tiến trình Anh rời EU có thể dấy lên mạnh mẽ hơn tình trạng “một nửa Brexit”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>