Nhiều thách thức với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

11/05/2017 | 07:47 GMT+7

Đúng như dự đoán của giới phân tích, ứng cử viên Moon Jae-in, cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do đã chiến thắng trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Hàn Quốc. Tuy nhiên, con đường phía trước của vị tổng thống này còn nhiều gập ghềnh, thách thức.

Ông Moon Jae-in. Nguồn: Getty Images

Ứng cử viên theo trường phái tự do, cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ đồng hành Moon Jae-in đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 9-5 tại Hàn Quốc. Theo đó, ông Moon đã giành được hơn 13,4 triệu phiếu ủng hộ của cử tri, tương đương 41,08% phiếu bầu. Ở vị trí thứ 2, ứng cử viên Hong Joon-pyo của Đảng Hàn Quốc tự do chủ trương bảo thủ kém ông Moon tới 4,3 triệu phiếu bầu chỉ giành được 24,03%, và ứng cử viên Ahn Cheol-soo thuộc Đảng Nhân dân theo đường lối trung tả, chỉ có 21,41% cử tri ủng hộ. Như vậy, cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn tại Hàn Quốc sau một vụ bê bối chính trị gây chấn động đất nước, liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil, khiến bà Park bị phế truất và đang chờ xét xử đã kết thúc. Ông Moon đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10-5 và ông sẽ là Tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc.

Thực tế, ông Moon Jae-in cũng không xa lạ gì với cử tri Hàn Quốc. Tại cuộc bầu cử năm 2012, ông đã thua bà Park Geun-hye với số phiếu sít sao. Và sau khi bà Park Geun-hye trở thành Tổng thống thì người Hàn Quốc mới nhận ra những sai lầm của bà. Người thắng cuộc năm 2012 giờ ngồi sau song sắt và người thua cuộc năm 2012 giờ lại là người chiến thắng.

Theo giới phân tích, ông Moon có tỷ lệ phiếu cao vì người dân Hàn Quốc đang bức xúc cao độ về bộ máy chính quyền cũ trong quá trình luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye. Rất nhiều cử tri trung lập quy kết trách nhiệm cho phe bảo thủ về vụ bê bối Choi Soon-sil thao túng quyền điều hành quốc gia của Chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye. Trong khi đó, phe bảo thủ bị chia rẽ thành hai đảng, là Đảng Hàn Quốc tự do và Đảng Chính nghĩa, dẫn tới việc lá phiếu của cử tri bị phân tán, là yếu tố góp phần vào thắng lợi sớm của ông Moon.

Nhiều người cho rằng, ông Moon Jae-in được coi là một ứng viên Tổng thống Hàn Quốc “trong sạch” trong hoạt động chính trị. Đây cũng là vị tổng thống được mong đợi sẽ xem xét lại toàn bộ chính sách của Hàn Quốc với Triều Tiên, tìm kiếm các cuộc đối thoại mở với Bình Nhưỡng và các thách thức trong việc triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc với Mỹ.

Mặc dù Washington đã chúc mừng ông Moon Jae-in giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, nhưng những chính sách trong kế hoạch tranh cử của vị tổng thống này lại có quan điểm khác biệt với Mỹ nên tương lai sẽ có những phức tạp với lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Triều Tiên. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho hay: “Chúng tôi mong chờ làm việc với Tổng thống đắc cử Moon để tiếp tục củng cố liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc”.

Mặt khác, hiện nay cả đối nội lẫn đối ngoại của Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Sau vụ bê bối của bà Park Geun-hye, nội bộ Hàn Quốc cũng bị chia rẽ sâu sắc dẫn đến hoài nghi lẫn nhau. Từ đó thiếu sự đồng thuận trong chính sách để phát triển. Điều này khó có thể cải thiện trong thời gian ngắn. Về đối ngoại, chính sách xích lại với Triều Tiên của ông Moon phần nào đã làm mất lòng đồng minh Mỹ, đặc biệt là việc triển khai THAAD. Trong khi đó, Triều Tiên đang đe dọa sẽ tấn công Mỹ, Hàn Quốc bằng tên lửa đạn đạo bất cứ lúc nào. Đây là điểm nóng khó hạ nhiệt trong giai đoạn hiện nay.

Giới quan sát cho rằng, thù trong giặc ngoài đang đe dọa từng giờ nên tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong lèo lái con thuyền chính trị ở quốc gia này.

Sinh ngày 24-1-1953, trong một gia đình nghèo ở đảo Geoje cách Seoul 420km, ông Moon Jae-in từng làm luật sư về nhân quyền trong 20 năm cùng với cựu Tổng thống Roh Moo-hy-un và bắt đầu tham gia chính trường vào năm 2002. Chính trị gia này được biết đến là người có quan điểm muốn hòa hảo thông qua đối thoại với Triều Tiên, không mặn mà với việc triển khai Hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ THAAD, muốn Hàn Quốc chứ không phải Mỹ là người nắm quyền kiểm soát hoạt động của liên minh quân sự trong trường hợp đặc biệt.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>