Nhiều người di cư mất mạng khi vượt Địa Trung Hải

24/02/2017 | 08:12 GMT+7

Mặc dù được cảnh báo về mối nguy hiểm khó lường nhưng làn sóng người di cư vẫn bất chấp vượt biển Địa Trung Hải tìm đến “miền đất hứa” châu Âu. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn ra đi. 

Thi thể của những người di cư trôi dạt trên biển. Ảnh: AFP

Người phát ngôn Hội Chữ thập đỏ Libya Mohamed al-Misrati cho biết, mới đây đã phát hiện 74 thi thể của người di cư trôi dạt trên một bãi biển gần thành phố Zawiya, miền Tây nước này. Tất cả các nạn nhân đều là người trưởng thành, chủ yếu đến từ các nước vùng Hạ Sahara của châu Phi. Nhà chức trách Libya cũng cho rằng có thể còn nhiều người di cư nữa trong nhóm này cũng đã tử vong trong hành trình vượt biển. Trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia cho biết gần 100 người di cư đang bị mất tích sau khi chiếc thuyền chở họ bị chìm ở ngoài khơi bờ biển Libya. Theo văn phòng báo chí của Lực lượng bảo vệ bờ biển Italia, chiếc thuyền nói trên chở tổng cộng 107 người di cư, tuy nhiên chỉ có bốn người được cứu sống. Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiến hành. Cùng thời gian này, một tàu chiến của Pháp, đang tuần tra trong chiến dịch bảo vệ biên giới của Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex), đã cứu được bốn người di cư bị nạn. Trong khi đó, hai chiếc tàu thương mại khác cũng đang hướng đến khu vực này, cách bờ biển Libya khoảng 50km về phía Bắc. Ngoài ra, một máy bay của Frontex và một máy bay của Hải quân Italia cũng đã được điều động tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ những người di cư nói trên. Trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia cũng đã giải cứu được khoảng 630 người di cư lênh đênh trên Địa Trung Hải.

Libya là điểm trung chuyển chính của những người di cư châu Phi muốn tìm đường đến “miền đất hứa” châu Âu. Năm 2016, có tới 181.000 người di cư châu Phi đã chọn hành trình vượt biển đầy mạo hiểm từ Libya tới Italia. Trong đó, hơn 4.500 người đã thiệt mạng trong quá trình di cư. Mặc dù được cảnh báo trước rủi ro và nguy hiểm luôn chực chờ khi vượt biển Địa Trung Hải bằng những phương tiện thô sơ nhưng làn sóng người di cư từ các nước Bắc Phi, Trung Đông vẫn ồ ạt vượt biển vào châu Âu. Mục đích của họ là chạy trốn chiến tranh, đói nghèo và nạn khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, con đường tìm đến “miền đất hứa” của họ lắm gian nan và cho dù họ có đến được châu Âu thì cũng khó tìm được nơi tiếp nhận.

Hiện nay, bên cạnh một số quốc gia châu Âu, như: Đức, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ… tiếp nhận có giới hạn người di cư thì hầu hết các nước vẫn đóng cửa biên giới chưa mặn mà không tiếp nhận. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố không tiếp nhận người di cư đến từ 7 quốc gia có đa số người Hồi giáo. Mặc dù, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Tổng thống Trump sẽ thay thế sắc lệnh này bằng một sắc lệnh khác trong tương lai gần nhưng làn sóng phản đối chính sách này đang lan rộng cả trong và ngoài nước Mỹ. Lệnh cấm này đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích từ các nước chịu lệnh cấm, các đồng minh của Mỹ và một số tập đoàn hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là các công ty công nghệ, vốn chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực là người nhập cư. Hệ lụy của nó là nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Mỹ. Những người tổ chức biểu tình đã kêu gọi người nhập cư nghỉ việc và yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng cửa để thể hiện tầm quan trọng của họ với nền kinh tế và đời sống của Mỹ. Chỉ tính riêng tại Washington, hơn 50 nhà hàng đã đóng cửa, bao gồm các nhà hàng cao cấp. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng và tác động rất lớn từ cộng đồng người di cư. Bởi lẽ tại Mỹ hiện có hơn 40 triệu công dân nhập tịch và khoảng 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ là người nước ngoài đang sinh sống trên khắp đất nước.

Giới quan sát nhận định, nguyên nhân dẫn đến làn sóng di cư vào châu Âu tiếp tục gia tăng chính là do các quốc gia liên quan thiếu chính sách đồng bộ về người nhập cư. Và câu chuyện này chỉ có hồi kết khi các quốc gia liên quan cộng đồng trách nhiệm để giải quyết căn cơ bài toán người di cư.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>