Nguy cơ xung đột tiếp diễn ở miền Đông Ukraine

21/03/2016 | 17:44 GMT+7

Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk được các bên liên quan ở Ukraine cơ bản tuân thủ nhưng nhiều yếu tố bất thường gần đây làm cho giới quan sát lo ngại xung đột có nguy cơ tiếp tục tái diễn ở miền Đông quốc gia Đông Âu này.

Xe tăng của lực lượng ly khai rời thị trấn Novoazovsk ở khu vực Donetsk ngày 21-10-2015. Nguồn: AFP/TTXVN

Vấn đề đầu tiên, giới quan sát đặt nghi vấn là thời hạn để thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk đã trễ so với thời gian quy định và việc thực hiện không có tiến triển rõ ràng nào. Theo đó, thỏa thuận hòa bình Minsk bao gồm Nghị định thư Minsk, với thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên có hiệu lực từ tháng 9-2014 và các biện pháp thực hiện được các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine vạch ra từ tháng 2-2015. Trong đó chú trọng việc triển khai một lệnh ngừng bắn theo từng giai đoạn, trao quyền tự chủ hơn cho các khu vực miền Đông Ukraine, yêu cầu các bên rút quân đội, vũ khí hạng nặng và tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Mặc dù hiện nay, giao tranh giữa lực lượng quân chính phủ và phe đối lập ở miền Đông đã giảm đi nhiều, tuy nhiên, việc thực hiện thỏa thuận Minsk đang khó thực hiện đúng thời gian quy định. Trước sức ép ngày càng tăng từ các quốc gia liên quan, Tổng thống Poroshenko mới đây đã trấn an các nhà lãnh đạo châu Âu rằng nước này sẽ sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay để tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông. Theo ông, Liên minh chính trị cần phải hoàn thiện và thể hiện trách nhiệm trên 2 nguyên tắc: cải cách có định hướng và hội nhập châu Âu, cũng như thực hiện thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu. Cho nên nhiều khả năng không tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội sớm mà sẽ kéo dài 5 năm hoặc 10 năm.

Vấn đề thứ hai, mặc dù các bên liên quan đã rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến nhưng hơn 30% các loại vũ khí này không tập trung đúng nơi quy định mà biến mất. Trong khi đó, các tay súng lại đang tăng cường trở lại hệ thống phòng thủ tên lửa, xe tăng và pháo. Đây thực sự là nguy cơ dự báo một khả năng chuẩn bị chiến tranh sắp lại nổ ra.

Vấn đề thứ ba là khoảng cách giữa quân chính phủ và phe đối lập ở dọc giới tuyến quá gần nhau và thiếu sự kiểm soát nên những mâu thuẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện tại, đường giới tuyến giữa quân chính phủ với phe đối lập dài hơn 15km nhưng khoảng cách giữa các bên xung đột tại nhiều địa điểm chỉ cách nhau từ 50-100m nên không đảm bảo an toàn. Ông Alexander Hug, Phó phái đoàn quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Ukraine, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép với các bên xung đột ở Ukraine trong việc triển khai thỏa thuận hòa bình Minsk. Theo ông Alexander Hug, trước mắt cần phải đưa cảnh sát tới khu vực này để duy trì trật tự thay cho binh sĩ.

Thực tế, những ngày gần đây, chiến sự vẫn diễn ra ở miền Đông Ukraine. Đại diện quân sự Cộng hòa nhân dân Donesk tự xưng cáo buộc quân đội Ukraine trong những ngày gần đây đã 210 lần bắn phá khu vực Cộng hòa nhân dân Donesk tự xưng, trong đó có sử dụng vũ khí hạng nặng bị cấm theo thỏa thuận Minsk.

Từ những diễn biến trên, cả Pháp, Đức và Ukraine đều sốt ruột và đang nỗ lực thúc đẩy thực thi thỏa thuận hòa bình này. Tuy nhiên, giải pháp để thỏa thuận hòa bình Minsk thành hiện thực vẫn còn xa vời.

Kể từ khi bùng nổ giao tranh ở miền Đông Ukraine vào đầu năm 2014, đã có hơn 9.000 người chết và làm 20.000 người khác bị thương. Cho nên thỏa thuận hòa bình Minsk đã lóe lên hy vọng chấm dứt cuộc xung đột tại đây. Tuy nhiên, theo giới quan sát, để thỏa thuận hòa bình thành hiện thực, điều kiện cần và đủ là cả Kiev và phe đối lập cần có sự đồng thuận và thực thi nghiêm túc thỏa thuận hòa bình Minsk đã đề ra. Tuy nhiên, với những diễn biến đã và đang diễn ra thì thật khó tìm được tiếng nói chung của cả hai phía. Câu trả lời cho bài toán khó này vẫn còn ở phía trước.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>