Nga “thắt lưng buộc bụng” vì lệnh trừng phạt mới

21/01/2016 | 08:10 GMT+7

Mới đây, Nga thông báo sẽ cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách trong năm 2016 do giá dầu sụt giảm mạnh. Đây chỉ là “giọt nước làm tràn ly” sau thời gian dài Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Đặc biệt, gần đây EU đã nhất trí kéo dài thêm 6 tháng kể từ đầu năm 2016 các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do sự can dự của nước này vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đồng ruble mất giá khiến người Nga ngày càng khó khăn.  Ảnh: AFP/TTXVN

Dự đoán ngân sách Nga năm 2016 sẽ giảm hơn 3 nghìn tỉ ruble, tương đương 38,6 tỉ USD. Bởi lẽ, ngân sách hiện tại của Nga đang tính toán dựa trên giá dầu là 50 USD/thùng, trong khi giá dầu xuất khẩu của Nga hiện chỉ đang giao dịch quanh mức 27 USD/thùng. Hệ lụy của giá dầu thế giới lao dốc đã làm cho đồng ruble của Nga mất giá hơn 50% so với đồng USD. Nước Nga có thể sẽ phải trích một phần Quỹ Đầu tư Quốc gia NWF để bù đắp khoản ngân sách thâm hụt khổng lồ này. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thừa nhận rằng năm 2015 là năm khó khăn nhất trong thập niên qua đối với Nga. Đồng thời ông cũng thừa nhận đã lâu lắm rồi nền kinh tế của Nga mới bị ảnh hưởng bởi các thách thức nghiêm trọng và xảy ra đồng thời như vậy. Tuy nhiên, Thủ tướng Dmitry Medvedev khẳng định: “Bất chấp tất cả những khó khăn mà nền kinh tế Nga phải đối mặt, chúng ta vẫn có các nguồn dự trữ, lòng khao khát và ý chí để vượt qua... Nguyên tắc cơ bản trong các chính sách của chúng ta vẫn nên được giữ vững, đó là “phải dựa vào bản thân mình”, trong đó có việc cắt giảm chi tiêu ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cảnh báo nếu chính phủ không thể cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách trong năm 2016 và không đề ra được các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, thì việc khủng hoảng kinh tế dẫn đến vỡ nợ như thời kỳ 1998-1999 sẽ lặp lại.

Theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia công bố mới đây, năm 2015, thâm hụt ngân sách của Nga là 2,6%, tỷ lệ lạm phát ở mức 15,5% và giá lương thực tăng hơn 19% so với mức trung bình, trong khi giá rau và hoa quả đắt hơn tới 29,5%. Hậu quả của việc này đã khiến 58%  người dân Nga đã và đang gặp khó khăn. Thu nhập của họ chỉ có thể đáp ứng chi trả cho lương thực và quần áo, mà không đủ điều kiện để mua các mặt hàng đắt đỏ như thiết bị gia dụng.

Để đối phó với những tác động xấu từ lệnh cấm vận của EU, Mỹ, bên cạnh cắt giảm chi tiêu công, Nga đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đối ngoại để mong sớm nối lại quan hệ với EU, Mỹ. Thủ tướng Dmitry Medvedev khẳng định: “Châu Âu là láng giềng thân cận của Nga và là đối tác kinh tế quan trọng bất chấp các biện pháp trừng phạt đáng tiếc. Đồng thời, ông cũng hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ trở thành quá khứ và quan hệ sẽ trở lại bình thường”.

Trong một động thái liên quan, Điều phối viên về chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Fried tuyên bố những lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt nhằm vào Nga có thể được dỡ bỏ trong năm nay. Điều này có thể xảy ra nếu Matxcơva chứng tỏ quyết tâm đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine thông qua các kênh ngoại giao.

Giới quan sát cho rằng, việc EU, Mỹ và Nga áp đặt lệnh trừng phạt lẫn nhau thời gian qua không chỉ gây tổn thất nặng nề về kinh tế của các bên liên quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung, nhất là cuộc chiến chống khủng bố. Tháo dỡ lệnh trừng phạt, từng bước tiến tới bình thường hóa quan hệ là giải pháp lợi cả đôi bên là điều cần thiết nhất hiện nay trong quan hệ của EU, Mỹ và Nga.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexey Likhachev cho biết, Nga đã thiệt hại khoảng 25 tỉ euro trong năm 2015, tức mất đi khoảng 1,5% GDP của Nga, do các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, EU tổn thất khoảng  40 tỉ euro trong năm 2014 và thêm 50 tỉ euro trong năm 2015, khi Nga thực thi các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt với Nga.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>