Nga giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng 4

03/04/2023 | 08:19 GMT+7

Kể từ ngày 1-4, Nga chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bất chấp việc Ukraine kêu gọi các nước thành viên ngăn chặn việc này.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói chuyện với Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzia hồi tháng 2.  Ảnh: EPA

Theo quy định, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có 5 thành viên thường trực (gồm Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc), sẽ luân phiên đảm nhiệm ghế chủ tịch cơ quan này trong 1 tháng. Nga đảm nhận nhiệm vụ này chính thức từ ngày 1-4.

Mặc dù Ukraine kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an ngăn chặn Nga đảm nhận ghế chủ tịch, nhưng chính Mỹ cũng thừa nhận điều đó là không thể.

Vai trò chủ tịch nói trên chủ yếu mang tính thủ tục. Ngoài việc chủ trì các cuộc họp, chức chủ tịch không có thêm bất kỳ quyền hạn nào.

Tuy nhiên Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzia nói với Hãng tin Tass (Nga) rằng ông dự định giám sát một số cuộc tranh luận, trong đó có cuộc tranh luận về kiểm soát vũ khí.

Ông Nebenzia nói ông sẽ thảo luận về “trật tự thế giới mới” mà theo ông sẽ “thay thế trật tự thế giới đơn cực”.

Trước đó, lần gần nhất Nga đảm nhận ghế chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 2-2022, cùng khoảng thời gian Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Dự kiến, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ chủ trì Hội đồng Bảo an trong một số cuộc họp. Như đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya đã tuyên bố trước đó, chưa có cuộc họp chính thức nào của Hội đồng Bảo an về Ukraine được lên kế hoạch vào tháng 4. Nhưng nhiều khả năng chúng vẫn sẽ diễn ra.

Vào khoảng ngày 6-4, một cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ thảo luận việc sơ tán trẻ em khỏi khu vực xung đột Ukraine. Matxcơva có kế hoạch thông báo cho những người tham gia cuộc họp về các biện pháp đang được thực hiện để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi các cuộc pháo kích, đưa trẻ em đến những khu vực an toàn.

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an được lên kế hoạch vào ngày 10-4, dành riêng cho chủ đề rủi ro do vi phạm các thỏa thuận về điều chỉnh xuất khẩu các sản phẩm quân sự. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, trong điều kiện hiện tại, Nga cho rằng cần phải phân tích hậu quả của việc không tuân thủ các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với cái gọi là người sử dụng cuối cùng trong các nguồn cung cấp quân sự. Nga cũng sẽ nói về những cách để chống lại những bước vi phạm như vậy.

Ngoại trưởng Lavrov dự kiến sẽ đến New York vào cuối tháng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng hiện nay và cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga - Mỹ, vẫn chưa rõ tình hình sẽ phát triển như thế nào với việc cấp thị thực Mỹ cho bộ trưởng và phái đoàn của ông. Lần gần đây nhất ông đến thăm trụ sở LHQ vào tháng 9-2022 trong tuần lễ cấp cao của phiên họp cấp cao của Đại hội đồng, các nhà ngoại giao đã nhận được thị thực vào giờ chót. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Nebenzya gần đây nhấn mạnh rằng, việc cấp thị thực là trách nhiệm của Mỹ và họ nên làm điều đó.

Theo kế hoạch, ngày 25-4, ông Lavrov sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an cấp bộ trưởng về chủ đề giải quyết tình hình Trung Đông. Bộ trưởng cũng sẽ chủ trì cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an về “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua việc bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc” vào ngày 24-4. Có thể tại cuộc họp này, Nga sẽ đề cập vấn đề hình thành một trật tự thế giới mới.

Ngày 31-3, trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch tại Hội đồng Bảo an LHQ, Nga đã công bố Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của nước này. Tài liệu nói rằng, nhân loại đang trải qua một kỷ nguyên của những thay đổi mang tính cách mạng, “sự hình thành của một thế giới đa cực, công bằng hơn đang tiếp tục”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>