NATO, EU tạm an lòng với Mỹ

21/02/2017 | 07:46 GMT+7

Tại Hội nghị an ninh thường niên diễn ra ở Munich (Đức) từ ngày 17 đến ngày 19-2, thu hút sự chú ý lớn nhất không phải là các vấn đề chính trị, an ninh toàn cầu mà là chính quyền mới ở Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến dự Hội nghị an ninh thường niên Munich ở Đức. Ảnh: Reuters

Hội nghị an ninh quốc tế Munich lần thứ 53 trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xấu đi. Vì vậy nhiều đại biểu chờ đợi nghe lập trường của chính quyền mới ở Mỹ đối với các vấn đề thế giới, trong đó có mối quan hệ giữa Mỹ với Liên minh châu Âu và NATO sau khi Tổng thống Donald Trump có nhận định rằng NATO đã trở nên lỗi thời. Người thay mặt Tổng thống Donald Trump ở Hội nghị an ninh quốc tế là Phó Tổng thống Mike Pence. Sứ mệnh của ông Pence là giải thích và mang lại cảm nhận tích cực cho thế giới về chính quyền mới ở Mỹ lẫn cá nhân ông Trump. Phó Tổng thống Mỹ đã tuyên bố ngay và luôn chính sách đối ngoại của nước Mỹ, một cách hết sức rõ ràng. Trước hết là với NATO, liên minh quân sự đã từng bị Tổng thống Mỹ chê là lỗi thời. Nay ông Mike Pence đưa ra lời bảo đảm. Một lời bảo đảm mạnh mẽ khác dành cho các nước Tây Âu, vốn đang bối rối sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố hoan nghênh Brexit và hòa hoãn với Nga, ủng hộ bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa. Nay Phó Tổng thống Mỹ nói lại cho rõ. Về vấn đề Ukraine, Mỹ tiếp tục yêu cầu Nga tôn trọng thỏa thuận Minsk và góp phần làm giảm xung đột ở miền Đông Ukraine. Một quan điểm không mấy khác so với thời tổng thống trước. Cuối cùng, Phó Tổng thống Mỹ đã nhắc nhở các nước châu Âu về chuyện đóng góp tiền nong.

Tuy nhiên theo Reuters, khi Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố Washington vẫn ở cùng NATO trên sân khấu, thì bên dưới, các đại biểu lại tỏ ra hờ hững và khi ông Pence kêu gọi đồng minh châu Âu chia sẻ chi phí với Mỹ nhiều hơn thì đáp lại là một sự im lặng đến “khó hiểu”. Sự ủng hộ, có thể nói là tích cực duy nhất cho màn phát biểu ngày 18-2 của Phó Tổng thống Mỹ, có lẽ đến từ Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan khi ông Pence kêu gọi Nga tôn trọng luật pháp quốc tế và có trách nhiệm chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Đại đa số tâm lý của những người còn lại là hoài nghi. Cựu Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow nói: “Nhiều người trong hội trường này vẫn còn tự hỏi liệu những điều vừa rồi có thật sự là một chính sách hay không”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thì tỏ ra thất vọng vì bài phát biểu của ông Pence tại Munich không hề đề cập đến Liên minh châu Âu (EU) nhưng hy vọng nước Mỹ ít nhất cần “nói một lần cho rõ” tại trụ sở EU sắp tới.

Trước khi ông Pence tham dự Hội nghị an ninh này là 4 tuần cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã công du Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như hội kiến với những người đồng cấp trong NATO, còn Ngoại trưởng Rex Tillerson thì tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bonn (Đức). Như vậy nghĩa là đã có không ít phát biểu, tuyên bố và thể hiện ý tưởng chính sách từ phía chính quyền mới ở Mỹ. Cũng nhờ đấy mà dư luận nhận ra rằng tại Munich, Phó Tổng thống Pence chỉ nhắc lại những gì đã được ông Trump hay các quan chức khác bộc lộ trong thời gian qua. Theo những tuyên bố, đến nay chính quyền mới ở Mỹ và cá nhân Tổng thống Trump vẫn duy trì những cam kết với các đồng minh quân sự trong cũng như ngoài NATO, vẫn theo đuổi mục tiêu không để Iran có vũ khí hạt nhân, vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt Nga và vẫn đòi các đồng minh quân sự của Mỹ phải tăng ngân sách quốc phòng.

Những đồng minh này có phần yên tâm hơn, nhưng chưa thể thật sự hết hoài nghi là Mỹ bề ngoài trấn an như thế nhưng trong thực chất đã sẵn sàng cho những thay đổi.

Mỹ là đối tác lớn nhất của châu Âu trong lĩnh vực thương mại, là nhà đầu tư vào lục địa này nhiều nhất và là đối tác của EU trong gần như tất cả các chính sách đối ngoại cũng như là người ủng hộ nhiệt thành sự thống nhất của châu Âu trong gần 60 năm qua. Trong NATO, Mỹ đóng góp 70% chi phí hoạt động hàng năm của tổ chức này. Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, các nước châu Âu đều tiến hành cắt giảm ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lo ngại đến từ Nga khiến nhiều nước trong khối này, điển hình như các nước vùng Baltic, kêu gọi vai trò của NATO và những nước dẫn đầu khối trong việc bảo vệ thành viên khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>