Nagorny Karabakh - Điểm nóng Trung Á

08/04/2016 | 06:16 GMT+7

Cuộc nội chiến ở Syria kéo dài trong suốt 6 năm qua luôn là điểm nóng ở Trung Đông đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, dư luận quốc tế lại tập trung chú ý về cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan do tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh, đã tạo thành điểm nóng ở vùng Trung Á.

Toàn cảnh thành phố Stepanakert được coi là thủ phủ Nagorny Karabakh.   Nguồn: AFP/TTXVN

Ở thời kỳ Liên bang Xô viết (Liên Xô cũ), Nagorny Karabakh là một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan, nhưng cả Armenia và Azerbaijan đều có tranh chấp về vùng đất này. Dân cư sinh sống ở Nagorny Karabakh đa số là người Armenia và họ theo đạo Thiên chúa. Dân cư sinh sống ở Azerbaijan đa số theo Hồi giáo. Chính vì vậy mà dân ở Nagorny Karabakh gắn bó với Armenia nhiều hơn. Mặt khác, do sự cấm đoán về tự do tôn giáo và văn hóa của Azerbaijan nên cộng đồng người Armenia muốn Nagorny Karabakh ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Cũng chính từ đây mà đã nổ ra xung đột giữa Azerbaijan và Armenia từ năm 1988 và kéo dài nhiều năm sau đó. Năm 1991, Quốc hội Azerbaijan đã bãi bỏ quy chế tự trị của Nagorny Karabakh và vùng này cũng đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Đến ngày 6-1-1992, vùng này tuyên bố độc lập tách ra khỏi Azerbaijan.

Sau 6 năm giao tranh ác liệt khiến cho khoảng 30.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, Azerbaijan và Armenia đều đã sẵn sàng ký lệnh  ngừng bắn và trả lại hiện trạng cũ cho Nagorny Karabakh. Ngày 15-5-1994, đại diện của Azerbaijan, Armenia, Nagorny Karabakh và Nga đã gặp nhau tại Matxcơva (Nga) để ký hiệp định ngừng bắn. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi.

Kể từ năm 1995, với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ trì, tiếp tục đàm phán với chính phủ Azerbaijan và Armenia để tìm ra giải pháp giải quyết cuộc xung đột. Nhiều đề nghị được đưa ra, chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục mỗi bên nhân nhượng trong một số điểm. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn cứng rắn với quyết định của mình.

Cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia mới đây cho thấy, cho đến nay, những hoạt động hòa giải của cộng  đồng quốc tế nhằm giải quyết tình trạng xung đột vẫn chưa đạt được tiến triển rõ rệt. Hiện khu vực Nagorny Karabakh đang được kiểm soát bởi lực lượng ly khai do Armenia hậu thuẫn. Một điều đáng chú ý là Nagorny Karabakh nằm không xa khu vực do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát và giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, Nagorny Karabakh là khu vực rất nhạy cảm, tác động không nhỏ tới an ninh toàn khu vực, trong đó có Nga. Nếu xung đột leo thang không kiểm soát được, nhiều khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ lợi dụng cơ hội này để mở rộng hoạt động thay cho những khu vực đã bị mất kiểm soát tại Syria và Iraq trong thời gian qua.

Trong khi tất cả các đối tác bên ngoài đều kêu gọi Azerbaijan và Armenia kiềm chế và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn thì Thổ Nhĩ Kỳ công khai đứng hẳn về phía Azerbaijan và tuyên bố ủng hộ đến cùng bằng mọi giá. Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa hoàn toàn tuyến biên giới chung với Armenia, làm cản trở quan hệ thương mại và kinh tế của Armenia với bên ngoài.

Còn đối với Armenia. Nga là đồng minh thân cận và hiện Nga có căn cứ quân sự đóng trên lãnh thổ Armenia và Nga đã hậu thuẫn Armenia cả về chính trị và quân sự. Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan nói: “Tình hình chiến sự gia tăng có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường và lan tràn trên quy mô lớn. Điều này tất nhiên không chỉ ảnh hưởng tới an ninh và ổn định của khu vực Nam Caucasus mà còn cả thềm lục địa châu Âu”.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang nỗ lực tìm các giải pháp nhằm đi đến chấm dứt cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh. Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố, các bên xung đột tại khu vực Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau mấy ngày giao tranh vừa qua.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>