Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại Hàn Quốc

11/04/2016 | 07:20 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Mỹ sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

Một vụ thử nghiệm THAAD.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo với tỷ lệ đánh chặn tên lửa đạn đạo đạt độ chính xác tuyệt đối trong phạm vi từ 150-200km. THAAD được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ hồi năm 2008 và được bổ sung vào kho vũ khí đánh chặn - chống tên lửa đạn đạo của Mỹ. Nó được thiết kế để đánh chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn ở giai đoạn cuối. Một khẩu đội THAAD bao gồm 4 thành phần chính: Xe phóng tên lửa, tên lửa đánh chặn mục tiêu, radar và trung tâm chỉ huy. Các tên lửa THAAD được cho là có tầm xa 200km và có thể lên độ cao 150km. Cho tới nay, các vụ thử nghiệm cho thấy hệ thống đã chứng tỏ sự hiệu quả đối với các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Mới đây, tại một hội thảo được tổ chức tại New York, khi được hỏi liệu việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc có được thực hiện hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết: “Việc đó sẽ diễn ra. Nó là điều cần thiết. Đây là vấn đề giữa chúng ta và Hàn Quốc. Hệ thống nhằm bảo vệ chính các lực lượng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và bảo vệ Hàn Quốc”.

THAAD có thể giúp bảo vệ Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Mỹ hiện cũng có 28.500 quân tại Hàn Quốc. Khi THAAD được triển khai, các tên lửa Toksa, Scud và No Dong của Triều Tiên sẽ bớt có nguy cơ đe dọa đối với Hàn Quốc đi nhiều.

Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc đàm phán về khả năng triển khai THAAD sau khi Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Trung Quốc đã nhất trí với các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên sau các vụ thử trên nhưng tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD, vì cho rằng việc triển khai này sẽ làm suy yếu sự răn đe chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại chủ yếu về các khả năng do thám của hệ thống. Bắc Kinh không lo ngại rằng một hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc có thể đánh chặn một tên lửa chiến lược của Trung Quốc bay tới lục địa Mỹ, bởi đó là viễn cảnh không thực tế. Thay vào đó, Bắc Kinh lo ngại rằng radar của THAAD có thể cung cấp dữ liệu theo dõi sớm cho các đơn vị khác của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ, đặc biệt là các căn cứ tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất chịu trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ, do đó làm giảm khả năng tấn công Mỹ của Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao Hàn Quốc chỉ rõ việc Bắc Kinh phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc và việc nước này tăng cường các hoạt động bành trướng trên Biển Đông là tự mâu thuẫn, vì các hoạt động trên của Trung Quốc rõ ràng đang xâm hại đến lợi ích an ninh của các quốc gia láng giềng, trong đó có Hàn Quốc.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>