Mỹ nhầm hay cố ý không kích vào binh sĩ Syria ?

21/09/2016 | 08:11 GMT+7

Với danh nghĩa giúp Syria chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng mới đây máy bay của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã oanh kích trực tiếp vào nơi đóng quân của binh sĩ Syria làm 183 người thương vong. Hành động này làm cho nhiều quốc gia nghi ngờ Washington bắt tay với IS.

Máy bay của liên quân chống IS của Mỹ ném bom xuống lãnh thổ Syria. Ảnh: THOUGHTCATALOG

Truyền thông nhà nước Syria đưa tin, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã không kích một vị trí của quân đội Syria ở khu vực Jebel Tharda, gần sân bay Deir al-Zor, miền Đông nước này, khiến nhiều binh sĩ Syria thiệt mạng. Theo đó, đã có 83 binh sĩ Syria thiệt mạng, hơn 100 người bị thương và một trạm quân sự của Syria bị phá hủy từ những đợt không kích này. Các vụ không kích do 2 máy bay F-16 và 2 máy bay A-10, xuất phát từ biên giới Syria và Iraq, thực hiện. Thật khó tin khi Washington cho rằng không kích trên là nhầm do lỗi kỹ thuật. Thực tế khi tiến hành những đợt không kích trên, Mỹ đã vi phạm cam kết lệnh ngừng các hành động thù địch mà Washington đã thỏa thuận với Matxcơva hồi tháng 2 và thỏa thuận này cũng mới được hai bên tái thực hiện chỉ vài ngày trước. Mặt khác, Washington cũng đã vi phạm là cam kết với chính phủ Syria khi bắt đầu chiến dịch không kích cách đây 2 năm.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vitaly Churkin cho rằng, vụ không kích cuối tuần qua cho thấy, Mỹ đang đi ngược lại cam kết của chính mình tại Syria, và làm cho lệnh ngừng bắn có nguy cơ đổ vỡ. Trong khi đó, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari lại đặt ra nghi vấn về những thông tin tình báo mà Mỹ thu thập được khi đã không kích “nhầm” vào lực lượng chính phủ Syria thay vì các tay súng IS. Đồng thời ông cũng đặt ra câu hỏi liệu các binh sĩ Mỹ với IS có mối liên hệ mờ ám nào hay không khi mà ngay sau vụ không kích ở Deir al-Zor, các tay súng IS đã chiếm được khu vực này.

Giới quan sát cho rằng, việc liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu không kích vào quân đội Syria là có ý đồ sâu xa. Trước tiên là việc Mỹ không muốn lệnh ngừng bắn trở thành hiện thực. Hành động của Mỹ nhằm vào Syria để cứu vãn cục diện chiến trường khi IS liên tục thất bại ở nhiều vị trí chiến lược tại Syria. Bởi lẽ trước đó có nhiều dư luận cho rằng chính Mỹ là “cha đẻ” của IS ở các quốc gia Trung Đông này từ cuộc chiến vùng vịnh. Hay nói một cách khác, Mỹ chưa muốn kết thúc chiến tranh ở Syria vì sĩ diện với Nga và các nước đồng minh khi dư luận cho rằng Nga không kích IS giúp Syria hiệu quả gấp nhiều lần so với liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Trong một động thái liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi đã lên án việc Mỹ không kích vị trí của quân đội Syria ở Deir al-Zor là bằng chứng cho thấy Mỹ hậu thuẫn IS. Theo ông Qasemi, cuộc không kích của phía Mỹ trùng lặp với cuộc tiến công của IS, cho thấy người Mỹ đang hậu thuẫn các nhóm khủng bố ở Syria và đồng thời vi phạm chủ quyền của Syria. Ông lưu ý đây là hành động trái với luật pháp quốc tế, đe dọa chế độ ngừng bắn và tiếp tay cho các nhóm có tên trong danh sách khủng bố của Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Mỹ tiến hành cuộc điều tra kỹ lưỡng, và thực thi các biện pháp nhằm tránh sự cố tương tự. Nga một lần nữa hối thúc Mỹ sử dụng ảnh hưởng đối với phe đối lập ôn hòa tại Syria, gây sức ép buộc lực lượng này thực thi nghĩa vụ theo điều khoản của lệnh ngừng bắn do hai nước này đồng bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ) tuần trước.

Về phần mình, quân đội Mỹ thông báo liên quân đã ngừng các vụ tấn công chống các mục tiêu nghi là của IS ở Đông bắc Syria sau khi nhận được thông tin của Nga về việc binh sĩ và xe cơ giới của quân đội nước này có thể đã bị tấn công.

Trong một diễn biến liên quan, Trung tâm hòa giải các bên đối địch tại Syria của Nga cho biết các nhóm vũ trang bất hợp pháp đã 50 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn chỉ trong vòng một ngày đêm. Động thái này cho thấy thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa được các phe đối lập ở Syria tuân thủ tuyệt đối.

Mặt khác, trong bối cảnh Nga và Mỹ đều có những quan điểm khác biệt trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có hiệu lực cách đây một tuần, nên rất khó tìm được giải pháp hòa bình chung. Từ những diễn biến trên, giới quan sát cho rằng lệnh ngừng bắn ở Syria do Nga, Mỹ bảo trợ nhiều khả năng bị phá vỡ nếu Matxcơva và Washington không vượt qua những bất đồng và khôi phục cơ chế ngừng bắn tại Syria bằng thiện chí. Đây cũng là bài toán khó cho tiến trình hòa bình cho Syria trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>