Mỹ dọa chuyển giai đoạn 2 trừng phạt Triều Tiên

26/02/2018 | 08:50 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần rồi tuyên bố, Mỹ đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt “lớn chưa từng có” đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, đồng thời cảnh báo nếu các biện pháp trừng phạt mới không hiệu quả, Washington sẽ tiến tới giai đoạn hai rất “khắc nghiệt” đối với Triều Tiên.

Tàu tuần duyên Mỹ nhiều khả năng sẽ được huy động theo dõi tàu hàng nghi buôn bán với Triều Tiên. Ảnh: REUTERS

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp này sẽ nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên “lách” các biện pháp trừng phạt hiện hành. Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Tanzania và Panama, quần đảo Marshall và quần đảo Comoros. Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ, mọi hoạt động giao dịch giữa các bên cũng bị phong tỏa. Mỹ cũng đã đề xuất bổ sung vào danh sách đen một loạt thực thể của Triều Tiên trong khuôn khổ những lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, Mỹ còn đang bàn bạc với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore nhằm phối hợp mở rộng hoạt động tuần tra, ngăn chặn các tàu hàng nghi giao dịch với Triều Tiên, trong đó có kế hoạch triển khai lực lượng tuần duyên Mỹ tới vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ ngày 24-2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: “Nếu các biện pháp trừng phạt không đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ phải tiến hành giai đoạn 2. Giai đoạn 2 có thể là một điều rất khắc nghiệt, không may mắn cho cả Triều Tiên và thế giới”.

Từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền đã thể hiện quyết tâm ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump cho rằng kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược đã qua, giờ là lúc phải gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên. Sách lược của nhà lãnh đạo Mỹ đã đạt được một số thành công ban đầu như buộc Trung Quốc đưa ra quyết định cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong nửa cuối năm 2017, Ấn Độ ngừng mọi giao dịch đối với Triều Tiên, cũng như thúc đẩy các nỗ lực của một số nước châu Âu và châu Phi ngăn chặn “mạng lưới bất hợp pháp ở nước ngoài mà Triều Tiên sử dụng để vận chuyển vũ khí và tạo ra tiền mặt”.

Tuy nhiên trên thực tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc chưa từng có. Triều Tiên thậm chí còn tuyên bố chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt được những tiến bộ vượt bậc với phạm vi bao trùm tới tận lãnh thổ Mỹ.

Ông Daryl Kimball, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, cho rằng: “Triều Tiên từ trước đến nay luôn xem chương trình hạt nhân là rào chắn trước mọi đe dọa về an ninh, trong đó bao gồm cả một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng từ phía Mỹ. Các biện pháp trừng phạt chỉ đơn thuần đánh vào khía cạnh kinh tế, tuy nhiên Triều Tiên sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên có thể tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc máy bay trang bị hạt nhân để đối phó với lệnh trừng phạt bổ sung”.

Một số chuyên gia khác cho rằng, Mỹ và Liên Hiệp Quốc chưa cân nhắc các yếu tố quan trọng để phát huy hiệu quả tối đa của các biện pháp trừng phạt, trong đó bao gồm 1 chiến lược với các mục tiêu rõ ràng, chuẩn mực, lộ trình ngoại giao lâu dài và các điều khoản đàm phán đi kèm. Ngay cả khi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bị chậm lại vì biện pháp trừng phạt thì ý chí của Triều Tiên chống lại sự đe dọa của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn luôn mạnh mẽ, và khát vọng theo đuổi chính sách phát triển kinh tế song song với tăng cường tiềm lực quân sự vẫn luôn hiện diện.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>