Mối đe dọa từ tư tưởng cực đoan của IS

03/01/2018 | 07:58 GMT+7

Năm 2017, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thất bại hoàn toàn ở Trung Đông, nhưng tư tưởng cực đoan của chúng vẫn còn tồn tại và là mối đe dọa đối với nhiều quốc gia.

Binh sĩ Philippines tuần tra trên một tuyến phố ở Marawi, ngày 10-6-2017. Nguồn: AFP/TTXVN

Sau thất bại tại chiến trường Iraq và Syria khiến vị thế của IS tại Trung Đông suy yếu, các thủ lĩnh của tổ chức này càng ráo riết tìm kiếm địa bàn mới cho hoạt động khủng bố. Hai châu lục mà IS đã lộ diện và khả năng sẽ chọn để xây dựng căn cứ địa mới là châu Á và châu Phi. Theo chuyên gia khoa học chính trị Nga Natalia Rogozhina, năm 2017 đánh dấu năm đầu tiên Đông Nam Á phải đối mặt với mối đe dọa từ các hoạt động khủng bố của IS. Bà Rogozhina cho rằng, IS đã lựa chọn Libya - quốc gia Bắc Phi đang đối mặt với tình trạng bất ổn và Đông Nam Á - nơi có hơn 300 triệu tín đồ Hồi giáo và nhiều tổ chức khủng bố theo tinh thần thánh chiến đang hoạt động để cư trú và xây dựng lực lượng. Các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á cũng đã cam kết đóng vai trò như “nơi trú ẩn xa nhà” cho những phần tử trốn chạy khỏi Trung Đông, trước hết là từ Syria.

Phát biểu tại hội nghị cấp bộ trưởng của Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố (IMCTC) diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia cuối tháng 12-2017 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết các nhóm khủng bố trong khu vực Đông Nam Á như Abu Sayyaf, Jemaah Islamiyah và Mujahideen đã công khai thề trung thành với IS và đang có ý định thành lập một Vương quốc Hồi giáo có tên gọi “Wilayah Đông Á”. Theo ông Hussein, nhà nước tự xưng này sẽ trải rộng khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore cũng như miền Nam Thái Lan và Myanmar.

Thực tế trong năm qua, Malaysia đã bắt giữ hàng trăm đối tượng tình nghi liên quan đến các nhóm phiến quân và khủng bố IS. Tại Myanmar, cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya khiến giới quan sát lo ngại IS có thể lợi dụng căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo này và chính quyền để kích động bạo lực. Brunei cũng lần đầu tiên bắt giữ một nhóm chiến binh Hồi giáo. Còn tại Indonesia, lực lượng an ninh đã ngăn chặn một âm mưu của IS phóng tên lửa từ lãnh thổ nước này nhằm vào Singapore.

Còn ở Libya, mặc dù chính phủ tuyên bố đã đánh đuổi IS ra khỏi nhiều địa điểm quan trọng nhưng thực chất IS vẫn còn tồn tại và hiện diện ở đất nước này. Tuyên bố của Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ trước đó nêu rõ, quân đội đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào một khu trại cách thành phố Sirte 240km về phía Đông Nam. Khu trại này được IS sử dụng để di chuyển máy bay chiến đấu ra vào lãnh thổ Libya, lập kế hoạch tấn công cũng như tàng trữ vũ khí. Sirte từng được coi là thành trì chính của IS tại Libya do IS chiếm Sirte từ năm 2015 với ý định biến thành phố này thành một căn cứ quan trọng của chúng ngoài Trung Đông. Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này đã thất bại thảm hại và buộc phải rút khỏi Sirte sau chiến dịch chống khủng bố kéo dài 6 tháng do các lực lượng trung thành với Chính phủ Hòa hợp dân tộc Libya (GNA) tiến hành, được yểm trợ bằng các cuộc không kích của Mỹ.

Giới quan sát nhận định, hiện nay IS đang suy yếu dần nên khó có khả năng đánh chiếm, lật đổ chế độ bất cứ một quốc gia nào để thành lập vương quốc như dự định, nhưng điều đáng lo ngại là tư tưởng cực đoan của chúng vẫn còn và sẽ lan truyền, tác động mạnh mẽ đến lực lượng khủng bố tại nhiều quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc giấc mơ “Vương quốc Hồi giáo” đã tan biến và chắc chắn IS sẽ quay lại hoạt động là một mạng lưới khủng bố quốc tế như trước đây nếu muốn tồn tại.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>